Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 5.404 thôn, tổ dân phố, trong đó có 4.726 thôn, tổ dân phố có hương ước, quy ước, đạt tỷ lệ 87,5%. Cùng với các bộ Quy tắc ứng xử được TP ban hành và triển khai, quy ước, hương ước của thôn, làng trong thời gian qua cũng góp phần vào công tác quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư, thúc đẩy việc xây dựng nếp sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Trong đời sống văn hóa, xã hội truyền thống của người Việt Nam, ngoài “phép nước” còn có “lệ làng”. “Lệ làng” là những quy định, những nguyên tắc ứng xử của cộng đồng, nhưng không phải các quy định pháp luật. Tại khu vực nông thôn, đó chính là những hương ước, còn tại khu vực đô thị, đó là những quy ước do cộng đồng dân cư lập ra, cộng đồng cùng nhau tuân thủ và cùng nhau thực hiện.
Những năm qua, đời sống xã hội có nhiều thay đổi, TP Hà Nội đã chỉ đạo các khu dân cư chỉnh sửa, bổ sung hệ thống hương ước, quy ước để đáp ứng nhu cầu thực tế cuộc sống tốt nhất. Để phát huy giá trị của hương ước, quy ước và các giá trị văn hóa truyền thống trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, Kế hoạch số 176/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về thực hiện Chương trình 06 “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” đã nêu rõ các nhiệm vụ. Trong đó, rà soát các quy ước, hương ước trên địa bàn TP, phát huy vai trò tự quản của thôn, tổ dân phố, bảo vệ, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp, hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục lạc hậu, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện quy ước hương ước. Tổ chức tôn vinh, biểu dương các mô hình văn hóa tiêu biểu: Gia đình văn hóa, làng, tổ dân phố văn hóa, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa hàng năm.
Theo đó, thống kê đến nay cho thấy, trong số 4.726 thôn, tổ dân phố có quy ước, hương ước, đến nay có 1.232 hương ước, quy ước đã được sửa đổi, bổ sung. Nhiều địa bàn đã và đang rà soát theo kế hoạch của TP Hà Nội để tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp.
Hiện trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, có 199 tổ dân phố đã có quy ước. Các phường và các tổ dân phố đã tổ chức biên soạn, xây dựng quy ước với những nội dung tập trung vào những vấn đề giúp người dân tham gia quản lý xã hội, tuân thủ các quy định pháp luật bảo vệ thuần phong mỹ tục, bài trừ hủ tục, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, xây dựng gia đình văn hóa, đời sống văn hóa...
Theo Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin quận Bắc Từ Liêm Phan Thị Thanh Huyền, các tổ dân phố đã thành lập Ban soạn thảo quy ước gồm lãnh đạo Tổ dân phố và người có uy tín trong cộng đồng. Sau khi hoàn thành dự thảo, Quy ước Tổ dân phố được lấy ý kiến người dân trước khi trình UBND phê duyệt. Các quy ước được đưa vào thực hiện đã tác động trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội của cộng đồng dân cư, góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, giữ gìn và phát huy những phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Tại khu vực ngoại thành, huyện Thạch Thất là địa bàn gương mẫu trong xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Toàn huyện đã có 122 thôn, tổ dân phố có quy ước (đạt 100%). Huyện đã gắn việc thực hiện quy ước, hương ước với việc bình xét Gia đình văn hóa, Thôn, Tổ dân phố văn hóa và các danh hiệu thi đua khác…
Với huyện Thanh Oai, trung bình 3 năm/lần, các bản quy ước, hương ước của các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện lại được “cập nhật” những yếu tố mới. Theo định hướng, thời gian tới, các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn huyện sẽ đưa các tiêu chí, nguyên tắc xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, nông thôn thông minh dựa trên tính đặc thù của địa phương vào quy ước văn hóa. Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi, xã hội vận động, phát triển không ngừng thì nội dung hương ước, quy ước cộng đồng cũng cần được điều chỉnh, bổ sung liên tục là tất yếu.
Đồng thời, các thôn, tổ dân phố cũng tiến hành việc cập nhật nội dung của Quy tắc ứng xử nơi công cộng của TP Hà Nội sau khi ban hành vào hương ước, quy ước; đan cài, lồng ghép các giá trị của quy ước, hương ước gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trật tự văn minh đô thị. Điển hình như tại xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai), để hương ước, quy ước không nằm ngoài guồng quay của cuộc sống hiện đại, năm 2019, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Ngọc Mỹ đã chỉ đạo sửa đổi, bổ sung quy ước làng văn hóa cho phù hợp với thực tế xã hội hiện nay, phù hợp với Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP. Năm 2019, cả 2 thôn Phú Mỹ và Ngọc Than đều sửa đổi, bổ sung trên cơ sở bản quy ước cũ từ năm 1995 và cấp phát đến 100% cán bộ và Nhân dân trên toàn xã, với tổng số 3.200 cuốn. Từ đó đến nay, Quy ước làng văn hóa phát huy vai trò tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần xây dựng người Ngọc Mỹ thanh lịch văn minh.
Nhờ sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cấp, ban, ngành, sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, các hương ước, quy ước, quy tắc ứng xử văn hóa đã lan tỏa sâu rộng vào đời sống tại Thủ đô. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, bất cập cần tháo gỡ, giải quyết. Đó là vấn đề đạo đức trong phạm vi gia đình hay những tranh chấp, mâu thuẫn về chế độ, chính sách, đất đai của người dân. Nhiều bản hương ước, quy ước còn mang nặng tính hình thức; sau khi ban hành chưa được giám sát thực hiện một cách sát sao; tình trạng nể nang, không nhắc nhở khi có vi phạm vẫn còn khá phổ biến. Nhiều hương ước, quy ước sao chép lặp lại chính sách, pháp luật; thiếu nét đặc trưng văn hóa, xã hội, phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục của các địa phương...
Tại hội nghị tập huấn về công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước năm 2024, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho rằng, để hạn chế mặt tồn tại đồng thời phát huy giá trị của hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa hiện nay, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của hương ước, quy ước trong quản lý xã hội, nhất là trong thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tăng cường năng lực quản lý, thực thi về hương ước, quy ước theo Nghị định số 61/2023/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư. Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hương ước, quy ước ở cơ sở đảm bảo dân chủ, khách quan, đúng theo quy định của Nhà nước, mang giá trị văn hóa riêng biệt của mỗi khu dân cư…
Để khắc phục các hạn chế, kế thừa, phát phát huy giá trị của hương ước, quy ước trong thực tiễn đời sống hiện đại, hiện tại các quận, huyện, thị xã đang tiếp tục thúc đẩy việc cập nhập, điều chỉnh các quy định cho phù hợp và người người dân nhiệt tình hưởng ứng, đặc biệt là các quy định, cách ứng xử phù hợp với đời sống đô thị, nông thôn mới.
Trên quan điểm coi trọng, lưu giữ những tinh hoa văn hóa truyền thống, quận Bắc Từ Liêm thực hiện hương ước, quy ước tại cộng đồng dân cư gắn liền với việc thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng. Nội dung các bản quy ước của các tổ dân phố đưa vào thực hiện sát với thực tiễn, bố cục rõ ràng, mạch lạc nêu được lịch sử ra đời phù hợp với đặc thù riêng của tổ dân phố; các phong tục, tập quán của địa phương, truyền thống, tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư và các nội dung về xây dựng nếp sống văn hóa trong sinh hoạt hàng ngày… Việc thực hiện Quy ước tổ dân phố trên địa bàn quận đã phát huy được hiệu quả, nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp, các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, bảo tồn, phát huy, quan hệ gia đình, khối phố ngày càng được gắn bó, an ninh trật tự được giữ vững.
Đáng chú ý, hương ước tại nhiều địa bàn đã trở thành tài liệu sinh động trong việc giáo dục con cháu về tinh thần tự quản, tự giác chấp hành các quy định chung của cộng đồng. Điển hình như hương ước làng Dừa, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, đã tồn tại gần 30 năm và vẫn giữ nguyên giá trị. Bản quy ước gồm 63 điều, từ vấn đề văn hóa, xã hội, kinh tế, giáo dục cho đến việc hiếu, hỷ, vấn đề đạo đức, đạo lý, trật tự an ninh… đều được chính quyền địa phương lấy ý kiến bàn bạc thấu đáo của người dân rồi thông qua. Sau khi thống nhất, quy ước được in, đóng quyển, phát tới các hộ gia đình. Quy ước Làng văn hóa Yên Sở vừa phù hợp với các quy định của pháp luật, vừa phù hợp với các giá trị truyền thống của làng.
Hay tại xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng. Nơi đây còn lưu giữ những phong tục, tập quán không phải ở đâu cũng có, như tục “ăn xóm” và “việc làng”. Cứ đến ngày mùng 8, mùng 9 tháng Giêng hàng năm, cả xóm lại tập trung làm lễ cúng thổ thần, ăn cơm đoàn kết. Trong những ngày này, người dân xem xét hương ước cần điều chỉnh, bổ sung những gì để đưa ra trong dịp hội làng, được tổ chức từ ngày 11 đến 13 tháng Giêng hằng năm. Đến ngày 15 tháng Giêng, hương ước được công bố để cả làng cùng thực hiện.
Trong đời sống xã hội hiện nay, khi nhiều nội dung trong các hương ước, quy ước đã được điều chỉnh theo hướng bảo đảm tính hiện đại, phù hợp với các quy định pháp luật, nhưng đồng thời vẫn giữ nguyên giá trị truyền thống, qua đó, đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống các tệ nạn xã hội, phát triển sản xuất, khuyến khích học tập, giải quyết các tranh chấp, vi phạm nhỏ trong Nhân dân. Đồng thời, đây cũng là nền tảng để duy trì và phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo đức truyền thống tốt đẹp, góp phần thực hiện chính sách dân số, bài trừ các hủ tục và tệ nạn xã hội.
14:52 11/12/2024