Huyện Phúc Thọ phấn đấu phát triển 4 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, huyện Phúc Thọ đã phối hợp với các sở ngành hỗ trợ chủ thể tham gia hoạt động xúc tiến thương mại. Dù vậy, nâng cao chất lượng sản phẩm vẫn được địa phương xác định là khâu cốt yếu để thu hút người tiêu dùng.

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của TP Hà Nội, trong giai đoạn 2019 - 2020, huyện Phúc Thọ đã phát triển được 25 sản phẩm OCOP. Đáng chú ý trong số này có đến 18 sản phẩm được UBND TP đánh giá, phân hạng đạt 4 sao; còn lại 7 sản phẩm được cấp 3 sao OCOP.
Tiếp nối thành công của 2 năm trước đó, ngay từ đầu năm 2021, huyện Phúc Thọ đã ban hành kế hoạch cụ thể để thực hiện Chương trình OCOP. Trong đó, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và hỗ trợ các chủ thể sản xuất, kinh doanh hoàn thiện sản phẩm để tham gia đánh giá, phân hạng. 
Chuối Vân Nam là một trong những sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện Phúc Thọ.
Trên cơ sở rà soát, huyện Phúc Thọ đã đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng 26 sản phẩm của 9 chủ thể. Trong số này, có 1 chủ thể là doanh nghiệp, 2 hợp tác xã và 6 cơ sở sản xuất, kinh doanh. 26 sản phẩm tập trung chủ yếu vào nhóm: Nông sản, thực phẩm chế biến và đồ uống. 
Vừa qua, Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP TP Hà Nội năm 2021 đã thẩm định các tiêu chí của 26 sản phẩm. Kết quả rất đáng khích lệ khi 100% sản phẩm đều được Tổ tư vấn giúp việc đưa vào nhóm tiềm năng 3 - 4 sao để trình Hội đồng TP đánh giá, phân hạng, cấp sao OCOP trong thời gian tới.
Liên quan đến định hướng phát triển sản phẩm OCOP năm 2022, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết địa phương đã xây dựng kế hoạch sản xuất; rà soát các nhóm sản phẩm có tiềm năng để hỗ trợ phát triển, hoàn thiện. Huyện cũng đã xây dựng các đề án thành phần nhằm phát triển 4 sản phẩm gồm: Hoa - cây cảnh, bưởi, chuối và thịt lợn sinh học VietGAP, phấn đấu xây dựng thành các sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Cùng với phát triển về số lượng, huyện Phúc Thọ đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP. Theo ông Nguyễn Đình Sơn, giải pháp kết nối tiêu thụ tốt nhất là nâng cao chất lượng; chỉ khi sản phẩm OCOP khẳng định được uy tín mới mong tiếp cận người tiêu dùng và chiếm lĩnh thị trường.
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Phúc Thọ cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP trên địa bàn hiện cũng chưa bài bản, thiếu hệ thống và bền vững. Chính vì vậy, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các sở ngành đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết, hỗ trợ chủ thể tham gia những sự kiện kết nối giao thương… Đây sẽ là động lực để các chủ thể tiếp tục đổi mới sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2022.