Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Sóc Sơn: Nâng chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, huyện Sóc Sơn luôn xác định Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người nông dân; từ đó quan tâm chỉ đạo, chú trọng tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Hàng ngàn lao động có thêm việc làm
Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân được xem là một trong những đơn vị tiên phong phát triển sản phẩm OCOP tại huyện Sóc Sơn. Trong hai năm qua, đơn vị này đã có gần 20 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao OCOP trở lên. 
Phát triển mạnh không kém, Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Xuân cũng đang có hàng chục loại rau củ quả được chứng nhận là sản phẩm OCOP. Trong khi đó, Công ty CP KMS đầu tư sản xuất và thương mại cũng không đứng ngoài cuộc với nhóm sản phẩm nấm đùi gà, nấm hương, nấm ngọc châm, nấm sò yến được cấp 4 sao OCOP.
Kiểm tra chất lượng nấm tại Công ty CP KMS đầu tư sản xuất và thương mại (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Trọng Tùng.
Thống kê cho thấy, toàn huyện Sóc Sơn hiện đã có tổng số 61 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên. Mặc dù vậy, nhóm ngành thực phẩm hiện chiếm phần lớn với 53/61 sản phẩm OCOP. Trong khi đó, nhóm ngành thủ công - mỹ nghệ - trang trí chỉ có 8 sản phẩm được chứng nhận.
Chương trình OCOP của huyện Sóc Sơn đã thu hút sự tham gia của 10 chủ thể là các HTX, hộ kinh doanh và doanh nghiệp. Đồng thời, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động địa phương thông qua việc tổ chức các mô hình kinh tế tập thể, ngành nghề nông thôn. 
Tiêu chuẩn hoá sản phẩm
Để đạt được kết quả đáng khích lệ nêu trên, tính từ năm 2018 đến nay, huyện Sóc Sơn đã bố trí gần 1 tỷ đồng đầu tư phát triển Chương trình OCOP. Trong đó, ngân sách huyện bố trí hơn 608 triệu đồng, còn lại là vốn xã hội hoá.
Từ nguồn lực huy động được, UBND huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng phát triển sản phẩm OCOP cho các chủ thể. Hỗ trợ kinh phí in tem, nhãn mác, mã QR cho sản phẩm OCOP. Trợ giúp xây dựng thương hiệu cho nhóm sản phẩm chủ lực, cũng như tổ chức và tạo điều kiện để chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại...
Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng đánh giá, trên địa bàn huyện còn rất nhiều sản phẩm có tiềm năng OCOP. Tuy nhiên, các mặt hàng vẫn còn nhiều hạn chế. Quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, chưa có bao bì, nhãn mác. Sản phẩm ít tính độc đáo nên chưa có sức cạnh tranh. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP chủ yếu trên địa bàn huyện và TP Hà Nội nên giá trị mang lại chưa đạt kỳ vọng…
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, địa phương xác định Chương trình OCOP vẫn sẽ là giải pháp trọng tâm để cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống cho người nông dân. Chính vì vậy, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để các thành phần kinh tế hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và tích cực tham gia Chương trình OCOP.
Huyện cũng sẽ đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường. Cùng với đó là mở rộng các mô hình liên kết sản xuất, tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ thể trong quá trình phát triển sản phẩm OCOP.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Sóc Sơn phấn đấu trung bình mỗi năm sẽ có ít nhất 10 sản phẩm được UBND TP Hà Nội đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên. Đến hết năm 2025, toàn huyện có trên 100 sản phẩm được chứng nhận OCOP.