Nghi vấn sử dụng tùy tiện tiền, hàng cứu trợ lũ lụt tại Quảng Trị: Cần làm rõ trách nhiệm

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã giải trình các khoản thu, chi từ những khoản hàng, tiền cứu trợ lũ lụt, song những con số vẫn mập mờ, bảng kê sai ngày tháng vẫn được UBND xã báo cáo lên cấp trên.

Chỉ hội ý nội bộ
Sau khi Báo Kinh tế & Đô thị có bài viết phản ánh về việc sử dụng tùy tiện tiền, hàng cứu trợ lũ lụt năm 2020 tại xã Vĩnh Sơn, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) đã yêu cầu địa phương này báo cáo. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề cần được làm rõ, khi trong báo cáo thể hiện nhiều sai sót trong quá trình tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ thiên tai.
Trước vấn đề thành lập Ban tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ theo Nghị định số 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ về “Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”, ông Nguyễn Văn Lường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Vĩnh Sơn cho biết, đã thành lập vào ngày 15/10/2020. Đồng thời, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng người cụ thể.
Trong đó, ông Trần Văn Quý - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã làm trưởng ban; ông Thân Trọng Dũng - Chủ tịch UBND xã làm Phó ban thường trực với 14 thành viên khác.
“Tuy nhiên, Ban vận động quyên góp, phân phối hàng cứu trợ của đợt lũ năm 2020 chỉ nằm trên văn bản”, ông Lường cho biết.
Trong khi đó, báo cáo với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Linh, ông Thân Trọng Dũng cho biết: Do lũ lụt quá cấp bách và theo yêu cầu của một số tổ chức, cá nhân nên ông đã cung cấp số tài khoản của mình để một số tổ chức, cá nhân chuyển tiền về hỗ trợ cho các thôn và người dân địa phương.
Sau đó, ông Dũng đã thông báo, báo cáo cho thường trực UBND, Ủy ban MTTQ xã biết rồi rút tiền giao cho văn phòng theo dõi, trao cho các thôn theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức hỗ trợ.
 Ông Thân Trọng Dũng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn (bìa phải) cho biết do lũ lụt xảy ra nhanh, một mình xử lý nhiều việc để ứng cứu người dân trong lúc nguy cấp nên đã có sai sót.

Còn Ủy ban MTTQ xã thì cho rằng do lũ lớn, nước đổ về nhanh nên hầu như cán bộ, thành viên trong Ban bị cô lập ở nhà, không thể ra cơ quan để thực hiện nhiệm vụ. Thế nhưng, vài ngày sau khi nước rút, các cán bộ, thành viên đều có mặt ở trụ sở xã thì Ban này cũng không hoạt động.
Tại kết luận giám sát của Thường trực HĐND xã Vĩnh Sơn số 03 ngày 3/12/2021 cũng chỉ rõ: Việc phân phối tiền, hàng cứu trợ cũng không họp bàn bạc thống nhất để phân phối cho các thôn mà chỉ có hội ý giữa Ủy ban MTTQ và UBND xã, nên việc theo dõi không đầy đủ. Điều đó dẫn đến một số bất cập trong cấp phát ở các đơn vị với nhau. Như số lượng hàng, quà về trực tiếp các thôn qua UBND xã phân phối, số thôn được trang bị phương tiện cứu hộ chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, qua giám sát tại sổ ghi biên bản của UBND xã không có cuộc họp, phiên họp bàn về vấn đề tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ mà chỉ hội ý trong thường trực. UBND chỉ định phân phối về cho các thôn, các tổ chức đoàn thể chỉ biết tiếp nhận và phân phối theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND xã.
Chi trước bão lũ nửa tháng?
Theo báo cáo của ông Dũng, ông này nhận tổng cộng 9 lần tiền vào tài khoản cá nhân với tổng số tiền là 130 triệu đồng. Trong đó, 29 triệu đồng gửi về hỗ trợ thôn Nam Sơn, 11 triệu đồng hỗ trợ bà con xã Vĩnh Sơn, 90 triệu đồng hỗ trợ cho 6 hộ ở thôn Huỳnh Thượng, xã Vĩnh Sơn (mỗi hộ 15 triệu đồng).
Riêng số tiền 29 triệu đồng, theo ông Dũng là con em ở thôn gửi về ủng hộ bão lũ. Tuy nhiên, qua báo cáo của UBND xã Vĩnh Sơn, số tiền này đã được thống nhất mua loa máy, tivi nhằm phục vụ cho thôn.
Dù đã hơn 1 năm từ thời điểm cơn lũ lịch sử, nhưng đến giờ này, những khoản thi chi từ số tiền tiếp nhận của các cá nhân, đơn vị ủng hộ vẫn được UBND xã Vĩnh Sơn báo cáo mơ hồ, thậm chí không rõ ràng và sai sót nghiêm trọng.
Cụ thể, nhiều mục thu không hề có ngày, tháng, năm tiếp nhận. Thậm chí, 2 khoản chi trả tiền cơm phục vụ phòng chống lũ lụt, tiếp khách đều được ghi vào ngày 2/10/2020. Trong khi đó, lũ lụt cả nửa tháng sau mới xảy ra.
 Khoản chi tiếp khách, ăn cơm mà UBND xã Vĩnh Sơn báo cáo cùng 1 ngày và trước đợt lũ lụt nửa tháng.
Trao đổi với phóng viên, ông Thân Trọng Dũng cho rằng: “Cái này chắc do văn phòng lập báo cáo sai, tôi sẽ cho kiểm tra lại”.
Đối với những khoản chi sai quy định, như sử dụng tiền cứu trợ của các nhà tài trợ để cơm trưa, cơm tối, tiếp khách là hơn 17,2 triệu đồng; khen thưởng phục vụ công tác phòng chống lũ lụt là 18,7 triệu đồng và chi trả tiền làm thêm ngoài giờ cho cán bộ bán chuyên trách là hơn 15,6 triệu đồng, ông Dũng cho biết: “Số tiền chi sai quy định này UBND xã sẽ chỉ đạo cán bộ văn phòng và kế toán của xã nghiên cứu lập hồ sơ, thủ tục thanh toán và hoàn ứng để nộp vào quỹ phòng chống thiên tai của xã quản lý theo đúng quy định”.
Riêng 2 triệu đồng tiền cứu trợ đáng lẽ được chuyển về cho hộ dân gặp thiên tai thì UBND xã này mang đi mua quà biếu, ông Dũng lý giải: “Cái này là chỉ đạo của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã”.
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với phóng viên, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh Trần Nhật Quang cho biết: “Tôi đã giao cho đồng chí Vũ Văn Phong - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện vừa là phụ trách địa bàn tiến hành làm việc với xã Vĩnh Sơn. Sau khi có kết quả, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin cho báo chí”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần