Theo tờ Guardian, các chuyên gia IAEA đang giám sát nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye ghi nhận đã có các vụ nổ mạnh làm rung chuyển tại cơ sở nhà máy trong hai ngày 19 và 20/11. IAEA cho biết hơn chục vụ nổ từ các đợt pháo kích đã gây thiệt hại cho một số tòa nhà, hệ thống và thiết bị, nhưng hiện vẫn chưa phát hiện bất kỳ vấn đề nghiêm trọng đối với an toàn hạt nhân tại nhà máy Zaporozhye.
Reuters đưa tin, Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi hôm 20/11 nói rằng tin này cực kỳ đáng lo ngại, đồng thời chỉ trích các vụ tấn công nhằm vào nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu này là hoàn toàn không thể chấp nhận được. “Những người đứng đằng sau các vụ nổ tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye trong 2 ngày cuối tuần cần phải chấm dứt ngay. Như tôi đã nói nhiều lần trước đây, họ đang đùa với lửa” - ông Grossi cảnh báo.
Đồng thời, người đứng đầu IAEA tiếp tục kêu gọi Ukraine và Nga đồng ý và thực hiện vùng an toàn và an ninh hạt nhân xung quanh nhà máy Zaporozhye “càng sớm càng tốt”. Tổng giám đốc IAEA cho biết ông đang chuẩn bị tiến hành các chuyến công du tới Nga và Ukraine để thảo luận về việc đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye. Theo ông Grossi, nếu tình hình cho phép, các chuyên gia của IAEA dự kiến sẽ thị sát nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye trong ngày 21/11 để đánh giá thiệt hại sau các vụ pháo kích mới nhất.
Theo Reuters, các đợt pháo kích liên tiếp vào nhà máy điện hạt nhân ở miền nam Ukraine này đã làm gia tăng lo ngại về khả năng xảy ra thảm họa hạt nhân nghiêm trọng. Địa điểm này chỉ cách nơi xảy ra thảm họa Chernobyl (năm 1986) khoảng 500km.
Cả Nga và Ukraine đều đang cáo buộc bên kia gây ra các vụ nổ trên.
Bộ Quốc phòng Nga nói rằng lực lượng quân đội Ukraine pháo kích vào đường dây điện cung cấp cho nhà máy. Hãng tin Tass đưa tin một số cơ sở lưu trữ của nhà máy bị trúng đạn, trích lời một quan chức của nhà điều hành điện hạt nhân Nga Rosenergoatom.
Ông Renat Karchaa - cố vấn của Giám đốc điều hành Rosenergoatom, cho biết: "Họ không chỉ nã pháo ngày hôm qua mà cả hôm nay, họ đang nã pháo ngay lúc này". Cũng theo ông Karchaa, các quả đạn pháo được bắn đi gần một cơ sở lưu trữ chất thải hạt nhân khô và một tòa nhà chứa nhiên liệu hạt nhân mới, nhưng hiện tại không có phát thải phóng xạ nào được phát hiện.
Trong khi đó, Công ty năng lượng hạt nhân Energoatom của Ukraine cáo buộc quân đội Nga đã pháo kích Zaporozhye, đồng thời cho biết có ít nhất 12 vụ tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng của nhà máy điện hạt nhân này. Theo công ty năng lượng hạt nhân Energoatom, lực lượng quân đội Nga đã nhắm vào mục tiêu cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc khởi động các tổ máy phát điện của nhà máy nhằm hạn chế nguồn cung điện của Ukraine.
Zaporozhye nằm ở phía đông nam Ukraine là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Hiện nhà máy thuộc quyền kiểm soát của Nga kể từ tháng 3, song các nhân viên người Ukraine vẫn ở lại để điều hành. Moscow khẳng định mục đích duy nhất của việc các Nga tiếp quản Zaporozhye là để "ngăn chặn các lực lượng dân tộc chủ nghĩa Ukraine và lính đánh thuê nước ngoài lợi dụng tình hình hiện tại ở Ukraine để thực hiện một vụ khiêu khích hạt nhân với những hậu quả khó lường nhất".
Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye cung cấp khoảng 1/5 lượng điện của Ukraine trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2 và đã nhiều lần buộc phải vận hành bằng máy phát điện dự phòng. Cơ sở này có 6 lò phản ứng làm mát và điều tiết bằng nước do Liên Xô thiết kế có chứa uranium 235.
Tuy đã ngừng hoạt động, nhiên liệu hạt nhân trong các lò phản ứng vẫn có nguy cơ trở nên quá nóng nếu nguồn điện dành cho hệ thống làm mát bị cắt.