Báo cáo "Chuyển dịch Năng lượng Công bằng ở Đông Nam Á - tác động của việc loại bỏ than đá đối với việc làm" chú trọng vào các bước cần thiết để đảm bảo rằng, bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình loại bỏ việc sử dụng than đá ở Indonesia, Philippines và Việt Nam đều nằm trong khuôn khổ “chuyển dịch công bằng” nhằm tạo việc làm và sinh kế mới.
Ba quốc gia này nằm trong số năm nền kinh tế có mức tiêu thụ than đá cao nhất ở Đông Nam Á. Tại khu vực này, mức tiêu thụ than đá đã tăng 150% trong 20 năm qua, với tỷ trọng điện than trong tổng công suất các nguồn điện tăng từ 27% trong năm 2010 lên 43% vào năm 2019.
Indonesia và Việt Nam là những nước sản xuất than đá quan trọng, trong khi Philippines phụ thuộc lớn vào nhập khẩu than đá. Cả ba quốc gia đều dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu.
Báo cáo này đã được Liên minh thành lập theo chủ đề của Liên Hợp Quốc (IBC) về Nâng cao Kỳ vọng về Hành động vì Khí hậu (nhóm công tác loại bỏ việc sử dụng than đá) công bố tại Bangkok ngày 24/5.
IBC bao gồm Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc về Châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP), Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), ILO và Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC).
Liên minh này nhận thấy rằng cần thiết phải có sự hỗ trợ và quan hệ đối tác lâu dài nhằm giúp châu Á loại bỏ dần việc sử dụng than đá, do vậy IBC đang triển khai một chương trình 5 năm để hỗ trợ Chuyển dịch Công bằng sang năng lượng và việc làm xanh hơn.
Báo cáo này tổng hợp kết quả nghiên cứu từ nhiều nguồn khác nhau. Báo cáo nhấn mạnh rằng trong khi Đông Nam Á có khả năng mất chưa đến nửa triệu việc làm trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050, thì khu vực này lại có thể tạo ra tới 5 triệu việc làm chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, việc mất việc làm do đóng cửa các khu mỏ ở các khu vực phụ thuộc vào than đá, cũng như mất việc làm gián tiếp liên quan đến ngành công nghiệp này sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường lao động, nền kinh tế và sinh kế của cộng đồng địa phương.
“Để giảm thiểu những tác động kinh tế xã hội tiêu cực của việc loại bỏ việc sử dụng than đá, các chính phủ cần triển khai các chính sách chuyển dịch công bằng đối với các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng,” bà Cristina Martinez, Chuyên gia Cao cấp của ILO về Môi trường và Việc làm Thỏa đáng, cho biết.
Bà nhấn mạnh cần phải duy trì việc làm ở những vùng tập trung sản xuất than đá. Tuy nhiên, đây có thể là một rào cản lớn đối với việc chuyển dịch dần loại bỏ việc sử dụng than đá, trừ khi vấn đề này được giải quyết cụ thể thông qua hỗ trợ quốc gia có mục tiêu cho các khu vực bị ảnh hưởng.
“Các chính sách được điều chỉnh ở cấp khu vực và địa phương với mục đích tạo ra “vùng trọng điểm chuyển dịch công bằng” đóng vai trò thiết yếu đối với quá trình chuyển dịch lấy con người làm trung tâm, dần loại bỏ việc sử dụng than đá,” bà cho biết thêm.
Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại xã hội giữa các chính phủ, người lao động và các tổ chức của người sử dụng lao động trong quá trình hoạch định chính sách ở tất cả các cấp và để đảm bảo rằng vấn đề giới, an sinh xã hội, phục hồi xanh, phát triển kỹ năng và khía cạnh cộng đồng được lồng ghép vào mọi chính sách hay các hành động tiếp theo.
Than đá là nhiên liệu hóa thạch chứa nhiều carbon nhất. Nhanh chóng loại bỏ việc sử dụng loại nhiên liệu này là điều cần thiết để giới hạn tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C, như đã thống nhất tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua vào năm 2015.
Vào tháng 3/2021, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi tất cả các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cam kết tiến đến loại bỏ việc sử dụng than đá vào năm 2030 và vào năm 2040 đối với các quốc gia không thuộc OECD để đạt được mục tiêu 1,5°C đã đề ra.