Triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ tăng 3,2% trong năm nay- vượt 0,1 điểm phần trăm so với ước tính tháng 1, theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới. Dự báo cho năm 2025 không thay đổi ở mức 3,2%.
Mỹ-Trung ngược chiều, Nga gây ấn tượng
Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới công bố, Mỹ trên đà tăng trưởng 2,7% trong năm nay, gấp đôi tốc độ của bất kỳ quốc gia nào trong G7.
Ước tính tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm nay cao hơn so với mức tăng trưởng 2,5% đạt được vào năm 2023 và tăng 0,6 điểm phần trăm so với tính toán trước đó của IMF.
Theo báo cáo, nguyên nhân của tăng trưởng là nhờ nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ đã thúc đẩy nền kinh tế Mỹ, bất chấp nguy cơ suy thoái sau đại dịch Covid-19 và những bất ổn địa chính trị như cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc, mặc dù gần đây đã cho thấy dấu hiệu phục hồi tính cực trong giai đoạn quý 1, nhưng vẫn tiềm ẩn những bất ổn về lâu dài, khi IMF dự báo tốc độ tăng trưởng của nước này sẽ chững lại ở mức 4,6% trong năm nay, so với mức 5,2% vào năm 2023.
Theo báo cáo, Trung Quốc phải đối mặt với cuộc khủng hoảng bất động sản trong nhiều tháng, có thể dẫn đến việc trầm trọng hóa các vấn đề kinh tế nếu không được giải quyết ngay lập tức.
“Trong trường hợp không có gói chính sách tái cơ cấu toàn diện cho lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn ở Trung Quốc, đầu tư vào bất động sản có thể sụt giảm lớn hơn và kéo dài hơn, kèm theo kỳ vọng giá nhà trong tương lai sẽ giảm, nhu cầu nhà ở giảm và nhu cầu nhà ở của các hộ gia đình ngày càng suy yếu niềm tin và chi tiêu, có tác động tới tăng trưởng toàn cầu,” báo cáo cho biết.
Trước đó vào ngày 16/4, Trung Quốc đã công bố dữ liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế vượt kỳ vọng trong quý đầu tiên khi lĩnh vực công nghiệp tiếp tục phát triển.
Mặc dù Mỹ đang dẫn đầu thế giới về tăng trưởng, nhưng hiệu quả hoạt động của nước này trong những năm tới là không chắc chắn, vì con số lạm phát vẫn tăng cao đã đặt ra nghi ngờ về việc liệu Fed có cắt giảm lãi suất như mong đợi vào cuối năm nay hay không.
Chủ tịch Fed Jerome Powell hồi đầu tuần này đã thu hẹp lại quan điểm trước đây về việc cắt giảm lãi suất. Ông Powell cho biết các biện pháp lạm phát nóng, bao gồm chỉ số CPI 3,5% trong tháng 3 (tăng 0,3 điểm phần trăm so với tháng 2), “rõ ràng không mang lại cho chúng tôi niềm tin lớn hơn”, đồng thời nói thêm rằng dữ liệu “chỉ ra rằng có thể cần phải mất nhiều thời gian hơn dự kiến để đạt được sự tự tin đó”, theo Wall Street Journal đưa tin.
IMF lặp lại mối quan ngại của ông Powell trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới, cho rằng các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới cần đảm bảo việc kiềm chế lạm phát một cách hiệu quả. Mặc dù nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có nhiều đợt cắt giảm lãi suất trong năm, nhưng lạm phát đã thay đổi những tính toán của Fed.
IMF cũng cảnh báo, dù thành tích kinh tế gần đây của Mỹ gây “ấn tượng” và là động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu, nhưng một phần xuất phát từ chính sách ngân sách “không phù hợp với tính bền vững tài chính dài hạn”.
Nga được dự báo tăng trưởng cao nhất trong số các nền kinh tế lớn, lên 3,2% trong năm nay và 1,8% trong năm tới, tăng lần lượt 0,6 và 0,7 điểm phần trăm, nhờ sức mạnh xuất khẩu dầu sang Ấn Độ và Trung Quốc khi giá toàn cầu tăng. Dự báo của Ấn Độ đã được nâng lên 6,8% trong năm nay, từ mức 6,5%.
Bóng đen từ xung đột
Nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF lưu ý vẫn còn thách thức do lạm phát dai dẳng và bất bình đẳng toàn cầu ngày càng gia tăng cũng như các tiềm ẩn rủi ro từ xung đột ở Ukraine và Trung Đông.
Trong một báo cáo riêng về rủi ro ổn định tài chính, chuyên gia phụ trách thị trường vốn IMF Tobias Adrian cảnh báo về mối đe dọa từ việc tăng giá tiêu dùng.
“Giới đầu tư có lòng tin rằng các ngân hàng trung ương phụ thuộc vào dữ liệu sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ khi lạm phát giảm tốc hơn nữa. Nhưng nếu lạm phát vẫn ở mức cao, những kỳ vọng như vậy có thể bị lật đổ, điều này có thể dẫn đến việc bán tháo tài sản tương ứng, từ trái phiếu, cổ phiếu đến tài sản tiền điện tử,” chuyên gia này lưu ý.
Hậu quả có thể bao gồm các điều kiện tài chính bị thắt chặt, tổn thất đối với một số nhà đầu tư và lợi suất trái phiếu cao hơn khiến người đi vay gặp khó khăn hơn trong việc trả nợ.
IMF cũng cảnh báo về tình trạng kém hiệu quả đáng lo ngại của các nước thu nhập thấp so với phần còn lại của thế giới. Những quốc gia này có lạm phát cao hơn dự kiến, do đồng USD mạnh hơn, cũng như tác động của chi phí lương thực, nhiên liệu và phân bón cao.
Tác động từ cuộc chiến ở Ukraine hay bạo lực ở Trung Đông có nguy cơ thúc đẩy lạm phát và góp phần làm tăng kỳ vọng lãi suất, điều này sẽ gây áp lực lên thị trường và tâm lý.
Trong diễn biến liên quan, nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas chia sẻ với AFP, diễn biến giá dầu tăng vọt gần đây do căng thẳng gia tăng ở Trung Đông có khả năng làm chệch hướng triển vọng "tương đối tốt" đối với nền kinh tế thế giới.
“Những rủi ro kinh tế thực sự mang tính địa chính trị, cho dù đó là các sự kiện ở Biển Đỏ, nguy cơ leo thang ở Trung Đông hay sự dai dẳng của cuộc xung đột ở Ukraine”. “Tất cả những sự kiện địa chính trị này là gánh nặng khủng khiếp cho tăng trưởng kinh tế,” Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhận định trước thềm báo cáo IMF.