Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Indonesia đối mặt với tình trạng suy giảm nghiêm trọng tầng lớp trung lưu

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ quan thống kê quốc gia Indonesia (BPS) cảnh báo tầng lớp trung lưu tại nước này đang suy giảm nghiêm trọng trong bối cảnh hàng loạt người dân thất nghiệp và lạm phát tăng cao, những hậu quả từ đại dịch Covid-19 kéo dài.

Trong quãng thời gian từ 2019-2024, tỷ lệ người Indonesia thuộc tầng lớp trung lưu đã giảm từ 21,4 xuống còn 17,1%, theo BPS. Trong khi đó, những người dễ bị ảnh hưởng bởi các thách thức từ nền kinh tế đã tăng từ 20,6%-24,2% trong cùng kỳ. Ước tính, tầng lớp trung lưu tại Indonesia đã giảm 9,5 triệu người trong vòng 5 năm qua.

Indonesia đối mặt với tình trạng suy giảm nghiêm trọng tầng lớp trung lưu. Ảnh: Nikkei Asia
Indonesia đối mặt với tình trạng suy giảm nghiêm trọng tầng lớp trung lưu. Ảnh: Nikkei Asia

“Đây là hậu quả từ tình trạng Covid-19 dai dẳng. Tầng lớp trung lưu rất quan trọng do họ là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế quốc gia. Việc họ chi tiêu ngày càng nhiều sẽ giúp củng cố nền kinh tế” - Giám đốc BPS Amalia Adininggar Widyasanti cho biết tại một cuộc họp báo công bố dữ liệu nền kinh tế vào tháng trước.

Theo BPS và Ngân hàng Thế giới, tầng lớp trung lưu là những người có mức chi tiêu cao hơn từ 3,5 -17 lần so với ngưỡng nghèo. BPS đặt ngưỡng nghèo ở Indonesia là 37,64 USD/tháng, tức là những người thuộc tầng lớp trung lưu chi tiêu từ 130 -640 USD/tháng.

Khi Covid-19 lên đến đỉnh điểm vào năm 2020, khoảng 2,8 triệu nhân viên trong lĩnh vực công nghệ thông tin bị sa thải – theo dữ liệu từ Bộ Nhân lực.

Mulyawan Ahmad, một nhân viên trong lĩnh vực công nghệ thông tin bị sa thải vào thời điểm đó, cho biết: “Dù ban đầu mọi thứ có vẻ ổn khi nhận được khoản trợ cấp thôi việc hậu hĩnh. Tuy nhiên, tôi đã gặp nhiều khó khăn do không tìm được công việc toàn thời gian và hiện phải sống dựa vào nghề tự do. Mọi thứ càng khó khăn hơn khi lạm phát ngày càng tăng cao. Vào thời điểm đó, tôi không ngờ mọi thứ lại trở nên đắt đỏ như vậy trong những năm tiếp theo".

Fithra Faisal Hastiadi, một nhà kinh tế cấp cao tại Samuel Sekuritas, cho rằng nguyên nhân khiến tầng lớp trung lưu suy giảm một phần là do chính phủ đang dành sự quan tâm cho 20% những người nghèo nhất và 10% tầng lớp thương lưu.

"Tầng lớp trung lưu không đủ điều kiện nhận trợ cấp xã hội. Ngoài ra đại dịch kéo dài đã khiến nhiều người dân không thể kiếm được các công việc có mức thu nhập tốt " - ông nói với Nikkei Asia.

Theo BPS, 41,67% chi tiêu của tầng lớp trung lưu hiện dành cho thực phẩm, tiếp theo là 28,52% cho nhà ở. Lạm phát ở Indonesia hiện là 2,12%, phần lớn do giá các mặt hàng chủ lực như gạo, hạt tiêu và đường tăng.

Mặc dù tầng lớp trung lưu đang thu hẹp, nền kinh tế Indonesia vẫn tiếp tục tăng trưởng tương đối tốt. Trong hai năm qua, nền kinh tế nước này tăng trưởng ở mức hơn 5%/ mỗi năm và dự kiến ​​sẽ tiếp tục duy trì trong cả năm 2024. Phần lớn sự tăng trưởng là do giá hàng hóa tăng.

Yuni Rahmawati, một nội trợ sống ở Jakarta, cho biết giá thực phẩm tăng đã ảnh hưởng đến thói quen chi tiêu của gia đình, trong khi chồng cô, chỉ kiếm được 513 USD/tháng.

"Đôi khi chúng tôi cảm thấy khó chịu khi không thể đảm bảo đủ nguồn dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày do hạn chế về chi tiêu” – cô chia sẻ.

Ông Hastiadi cho biết: "Tầng lớp trung lưu cảm thấy mức thu nhập của họ không thể theo kịp đà tăng của chi phí".

Tuy nhiên, ông Widyasanti của BPS tin tưởng tác động của đại dịch sẽ không tiếp tục kéo dài cũng như tin tưởng chính phủ sẽ thực hiện các chính sách giúp nền kinh tế phục hồi.

Trong cuộc họp với các nhà kinh tế cấp cao tuần trước, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Airlangga Hartarto đã lưu ý tầm quan trọng của tầng lớp trung lưu đối với nền kinh tế Indonesia.

"Đảm bảo khả năng phục hồi của tầng lớp trung lưu là một vấn đề mà chính phủ cần phải đốt mặt" – ông Hartarto cho biết.

Tuy nhiên, ông cho biết chính phủ không giải quyết đúng thách thức này. Việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 11% lên 12% vào ngày 1/1 và đề xuất đánh thuế 3% vào tiền lương sẽ ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu của tầng lớp trung lưu.

Ông cho biết: "Chính phủ phải cân nhắc hoãn tăng thuế VAT và đợi cho đến khi tầng lớp trung lưu đạt tỷ lệ 25% để tạo dựng nền tảng kinh tế vững chắc".