Trả lời phỏng vấn hãng tin BBC của Anh hôm 10/7, Đại sứ Iran tại Liên Hợp quốc (LHQ) Majid Takht-Ravanchi cho biết, các cường quốc châu Âu, gồm Đức, Anh, Pháp cần hành động nhiều hơn để bù đắp cho Teheran trước những thiệt hại kinh tế từ các lệnh trừng phạt của Mỹ, nếu không, Iran sẽ tiếp tục vượt quá giới hạn sản xuất nhiên liệu hạt nhân.
Tuy nhiên, Đại sứ Majid Takht-Ravanchi nói với BBC rằng chính quyền Tehran sẽ vẫn thực hiện thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA).
Quan hệ Mỹ - Iran không ngừng leo thang căng thẳng trong thời gian gần đây, một năm sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA và tái áp đặt toàn bộ các lệnh trừng phạt đối với Tehran. Thỏa thuận này dựa trên hai cam kết then chốt của Tehran, đó là chỉ được phép làm giàu urani ở tỷ lệ tối đa 3,67% - một tỷ lệ vừa đủ để sản xuất năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, và số lượng urani làm giàu ở tỷ lệ thấp này cũng chỉ được tối đa 300 kg. Đổi lại, các quốc gia còn lại dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran .
Đại sứ Ravanchi khẳng định Iran không vi phạm JCPOA, đồng thời nói rằng các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân đa phương cho phép khôi phục một số cam kết nếu các bên khác vi phạm.
"Hiện tại, chúng tôi vẫn thực hiện thỏa thuận và chúng tôi kêu gọi những quốc gia khác tiếp tục duy trì JCPOA" ông Ravanchi nói thêm, đồng thời cảnh báo rằng Iran sẽ chuyển sang "giai đoạn thứ ba" của chương trình làm giàu uranium, trừ khi các nước châu Âu giữ lời hứa sẽ duy trì các lợi ích kinh tế của Tehran theo hiệp ước lịch sử này.
“Rõ ràng, sau khi Mỹ rút, các nước châu Âu đã không đáp ứng yêu cầu của Iran và không tôn trọng tất cả các cam kết của họ cho đến nay", nhà ngoại giao Iran khẳng định.
Việc các nước châu Âu và Liên minh châu Âu (EU) không cung cấp cho Iran cơ chế thương mại tự do khả thi để giảm bớt hậu quả từ lệnh trừng phạt của Mỹ khiến Iran ngày càng ít mặn mà với JCPOA.
Anh, Pháp và Đức đã nỗ lực tạo lập kênh trao đổi thương mại đặc biệt (INSTEX), cho phép tiếp tục giao dịch với Iran bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, cơ chế này mới được kích hoạt gần đây và các công ty châu Âu không muốn chịu rủi ro từ lệnh trừng phạt của Mỹ.
Đại sứ Ravanchi cho biết, các báo cáo nói rằng Iran có thể tăng đáng kể mức độ làm giàu uranium lên độ tinh khiết 20% trong "giai đoạn 3" là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Một động thái như vậy gần như chắc chắn sẽ khiến JCPOA hoàn toàn sụp đổ và có thể dẫn đến các cuộc tấn công quân sự của Mỹ hoặc Israel chống lại các cơ sở hạt nhân của Iran .
Ông Ravanchi cũng nhấn manh: "Chúng tôi đã nói rằng chúng tôi sẽ không tuân thủ mức giới hạn làm giàu uranium ở mức 3,67%. Chúng tôi chưa xác định sẽ thực hiện điều gì trong giai đoạn thứ ba, nhưng nếu chúng tôi quyết định nâng mức độ làm giàu uranium lên độ tinh khiết 20%, chắc chắn chúng tôi sẽ thông báo trước".
Từ đầu tháng 7 cho tới nay, sau nhiều nỗ lực kêu gọi và chờ đợi các bên còn lại của thỏa thuận tìm cách giúp Iran "né" các biện pháp trừng phạt của Mỹ mà không có kết quả rõ ràng, Tehran đã điều chỉnh phạm vi tuân thủ JCPOA. Hãng tin Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho biết, trong phiên họp kín ngày 10/7, IAEA thông báo với các quốc gia thành viên rằng Iran đang làm giàu urani tới độ tinh khiết 4,5%, cao hơn giới hạn 3,67% mà Tehran đã nhất trí trong JCPOA./.