Theo khảo sát mới nhất bởi S&P Global Commodity Insights, sản lượng dầu mỏ của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh (nhóm OPEC+) đã tăng 120.000 thùng/ngày trong tháng 8 do nguồn cung gia tăng từ Iran, Iraq và Nigeria bù đắp cho việc cắt giảm của Ả Rập Saudi và Nga.
Trong khi Ả Rập Saudi và Nga, 2 nước xuất khẩu dầu lớn nhất của OPEC+, đang nỗ lực cắt giảm sản lượng nhằm hỗ trợ giá dầu, một số quốc gia khác, dẫn đầu là Iran, đã tăng mạnh hoạt động khai thác của mình.
Cụ thể, sản lượng dầu thô của Ả Rập Saudi trong tháng 8 là 8,95 triệu thùng/ngày, giảm 100.000 thùng/ngày so với tháng trước đó và ở mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021. Từ tháng 7, vương quốc dầu mỏ đã thực hiện cắt giảm tự nguyện thêm 1 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, Nga, đã giảm sản lượng 20.000 thùng/ngày xuống còn 9,4 triệu thùng/ngày trong tháng 8. Cũng trong tháng 7, Nga tuyên bố cắt giảm nguồn cung 500.000 thùng/ngày. Vào tháng 8, Moscow cho biết sẽ giảm bớt mức cắt giảm xuống 300.000 thùng/ngày kể từ tháng 9.
Ả Rập Saudi và Nga hôm 5/9 vừa qua cùng thông báo rằng họ sẽ gia hạn quyết định cắt giảm sản lượng dầu mỏ đến cuối năm 2023. Điều này khiến các nhà phân tích tại S&P Global ước tính mức thâm hụt nguồn cung “vàng đen” trong nửa cuối năm nay là 1,8 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, sản lượng dầu thô gia tăng ở Iran, Iraq và Nigeria đang giảm thiểu tác động của việc cắt giảm quy mô lớn của Ả Rập Saudi.
Theo khảo sát của Platts, sản lượng dầu khoảng 2,95 triệu thùng/ngày của Iran trong tháng 8 là mức cao nhất của quốc gia này kể từ tháng 11/2018, do xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn mạnh.
Áp lực trừng phạt đối với Iran cũng giảm bớt đáng kể khi các nước phương Tây tập trung vào các biện pháp chống lại Nga, cho phép khách hàng mua thêm dầu thô của Iran mà không sợ bị trừng phạt. Cùng với đó, Tehran được miễn hạn ngạch giảm sản lượng theo thỏa thuận của OPEC+.
Trong khi đó, sản lượng tại Iraq cũng tăng 110.000 thùng/ngày do mức tiêu thụ nội địa tăng. Còn sản lượng của Nigeria tăng 60.000 thùng/ngày do hoạt động tại kho Forcados quay trở lại, sau khi một vụ rò rỉ dưới nước làm gián đoạn việc bốc hàng trong một tháng.
Mele Kyari, Giám đốc điều hành Công ty Dầu khí Quốc gia Nigeria (NNPC), gần đây tiết lộ rằng sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ của nước này đã tăng lên tới 1,6 triệu thùng/ngày, cao hơn nhiều so với mức gần 1 triệu thùng/ngày cách đây vài tháng.
Sản lượng của OPEC+ trong tháng 8 đạt trung bình 40,52 triệu thùng/ngày, thấp hơn nhiều so với mức đầu mùa hè này. Theo cuộc khảo sát, liên minh OPEC + tiếp tục khai thác dưới mức hạn ngạch đáng kể, với tổng mức thiếu hụt là 1,1 triệu thùng/ngày trong tháng 8.
Trong khi 13 thành viên của OPEC tăng sản lượng lên 190.000 thùng/ngày so với tháng trước, sản lượng từ các quốc gia ngoài OPEC trong liên minh đã giảm 70.000 thùng/ngày.
Việc cắt giảm nguồn cung của Ả Rập Saudi và Nga được cho là lý do chính đẩy giá dầu tăng mạnh trong những tuần gần đây. Giá dầu Brent trong tuần này đã vượt ngưỡng 90 USD/thùng - mức cao nhất trong 10 tháng qua.
Thị trường dầu diễn biến khó lường
Theo Oilprice, tác động giằng co giữa một loạt yếu tố tích cực và tiêu cực khiến thị trường dầu thế giới trở nên khó lường đối với các nhà đầu tư và giới phân tích.
Về mặt tích cực, thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày được OPEC+ thực hiện từ tháng 4 năm nay đang khiến thị trường dầu thắt chặt hơn.
Trong nửa đầu năm nay, giá dầu chỉ giao dịch quanh mức từ 70-80 USD/thùng. Tuy nhiên, thị trường dầu biến động mạnh trong tháng 7 và tháng 8 sau khi Ả Rập Saudi và Nga cùng siết nguồn cung dầu mỏ ra thị trường. Đặc biệt, giá dầu trong tuần này đã thiết lập mức cao nhất kể từ đầu năm sau khi Ả Rập Saudi và Nga thông báo kéo dài quyết định cắt giảm sản lượng đến hết năm 2023.
Giới phân tích cho rằng trong bối cảnh thị trường dầu mỏ thắt chặt như vậy, việc hai nước xuất khẩu dầu lớn nhất của OPEC+ quyết định gia hạn các kế hoạch hạn chế nguồn cung đến hết năm nay có thể sẽ làm gia tăng sự thiếu hụt của thị trường dầu mỏ trong quý IV - yếu tố hỗ trợ giá dầu.
Vậy nhưng ông Ole Hansen, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa của ngân hàng Saxo Bank, nhận định rằng yếu tố quan trọng đối với diễn biến trên thị trường dầu còn phụ thuộc vào các số liệu kinh tế vĩ mô sắp tới, cũng như triển vọng nhu cầu.
Cũng có quan điểm tương tự, các chuyên gia của Warren Patterson và Ewa Manthey của ngân hàng ING cho rằng động thái mới nhất của Ả Rập Saudi và Nga sẽ khiến nguồn cung dầu thiếu hụt nhiều hơn dự đoán trong quý IV. Tuy nhiên, họ không nâng dự báo giá dầu vì vẫn còn những lo ngại về nhu cầu và nguồn cung từ Iran đang gia tăng.
Các chuyên gia của ING dự đoán thị trường dầu sẽ dư cung nhẹ trong quý I/2024- yếu tố hạn chế giá dầu tăng cao. Cũng theo dự báo của ngân hàng này, giá dầu Brent trung bình sẽ ở mức 92 USD/thùng trong quý cuối cùng năm nay.
Bên cạnh các yếu tố tích cực, giá dầu cũng đang đối mặt với những “cơn gió ngược” về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và những lo ngại về nhu cầu, nhất là ở Trung Quốc, khi số liệu cho thấy đà phục hồi hậu đại dịch của nước này yếu hơn dự đoán.
Ngoài ra, tác động từ tình hình lãi suất gia tăng ở Mỹ cũng đang cộng hưởng với những lo ngại về việc liệu kinh tế Mỹ có thể “hạ cánh mềm” sau hơn một năm rưỡi tăng lãi suất hay không.
Số liệu gần đây cho thấy thị trường lao động Mỹ đang hạ nhiệt, và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể dừng tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách từ ngày 19-20/9. Tuy nhiên, nếu đà leo dốc của giá dầu thổi bùng lạm phát trở lại, Fed có thể sẽ phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn, từ đó đè nặng lên tăng trưởng kinh tế cũng như nhu cầu dầu.
Các chuyên gia của Saxo Bank không cho rằng giá dầu sẽ tăng lên mức 100 USD/thùng, nhưng không loại trừ khả năng giá dầu Brent có thể ở trên mức 90 USD/thùng trong một thời gian ngắn.