Hết lần này đến lần khác, các cuộc đàm phán giữa phương Tây và Iran về chương trình hạt nhân của nước này một lần nữa bị đình trệ do bất đồng giữa hai bên.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cáo buộc Iran không tận dụng cơ hội quay trở lại bàn đàm phán, đồng thời cho hay vấn đề này không còn nằm trong mục tiêu ưu tiên của chính quyền Tổng thống Biden.
Tuy nhiên, Iran dường như đang tiến gần hơn đến việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Theo thanh tra viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), quốc gia này có thể làm giàu uranium ở mức 84%, trong khi chỉ cần 90% là có thể chế tạo bom nguyên tử.
Vào cuối tháng 3/2023, Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho biết Iran có thể có đủ nhiên liệu cho phản ứng phân hạch để chế tạo bom trong chưa đầy hai tuần và vũ khí hạt nhân trong vòng vài tháng.
Với tình hình trên, liệu còn cơ hội cho thỏa thuận giữa hai bên?
Niềm tin về các cuộc đàm phán hạt nhân
Trong hai năm qua, cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã không ngừng nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân vốn bị Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ vào năm 2018 trong “Kế hoạch hành động toàn diện chung” (JCPOA). Tuy nhiên, nỗ lực này chưa đạt kết quả khi những yêu sách của Iran, trong đó có việc yêu cầu loại bỏ lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo khỏi danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài của Mỹ, đang không làm hài lòng các lãnh đạo phương Tây.
Mặc dù vậy, EU vẫn tin rằng JCPOA vẫn là con đường duy nhất để giải quyết chương trình hạt nhân của Iran. Bên cạnh đó, mặc dù không còn dành quá nhiều ưu tiên cho các cuộc đàm phán, Mỹ vẫn chưa sẵn sàng đưa ra tuyên bố chính thức về việc từ bỏ chúng.
Tuy nhiên, sự tin tưởng trên của phương Tây dường như đã bỏ qua những thay đổi kể từ năm 2015 hay thực chất, các quyết định liên quan đến vũ khí hạt nhân vẫn đến từ bản thân Iran nhiều hơn.
Dù những người ủng hộ thỏa thuận này cho rằng nó đã hạn chế đáng kể khả năng chế tạo hạt nhân của Iran, nhưng thực tế các chương trình hạt nhân này vẫn không ngừng phát triển trong vòng hai năm qua. Gần đây, một hãng tin liên kết với Lực lượng Vệ binh Cách mạng cho biết Iran không thể từ bỏ các phương pháp khoa học chế tạo bom vì nhiều nguyên nhân.
Câu hỏi đặt ra là các nhà lãnh đạo Iran sẽ làm gì tiếp theo. Vào tháng 2/2023, Giám đốc CIA William Burns cho biết ông tin rằng các nhà lãnh đạo Iran vẫn chưa đưa ra quyết định về việc chế tạo vũ khí hạt nhân.
Để hiểu giới lãnh đạo Iran thực sự quan tâm điều gì, chúng ta cần quan tâm lịch sử xuyên suốt của đất nước này.
Rất nhiều lần cân nhắc, suy xét
Kể từ cuộc cách mạng năm 1979, các nhà lãnh đạo Iran luôn thận trọng khi đưa ra quyết định. Điều này bắt nguồn từ những băn khoăn, lo lắng đã tồn tại từ rất lâu của một đất nước vốn phải vật lộn với hàng loạt mối đe dọa nội bộ và ngoại bang trong bốn thập kỷ qua. Chẳng hạn, phải mất 8 năm để Cộng hòa Hồi giáo Iran chấp nhận ngừng bắn và hòa đàm với Iraq sau cuộc chiến nổ ra vào những năm 1980. Mất đến một thập kỷ - kể từ khi chương trình hạt nhân bị tiết lộ vào năm 2003 - để Iran sẵn sàng cho các cuộc đàm phán chính thức về thỏa thuận hạt nhân với Mỹ và các cường quốc khác.
Iran đề xuất chính sách “hướng Đông” vào giữa những năm 2000 dưới thời Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, phải đến năm 2015 thì nước này mới thực sự triển khai các quyết định dựa trên chính sách này. Chính sách trên bao gồm hợp tác quân sự với Nga, Syria và bây giờ là Ukraine và một thỏa thuận kinh tế, quân sự và an ninh dài hạn với Trung Quốc.
Tuy nhiên, chế tạo vũ khí hạt nhân chắc chắn sẽ là quyết định chiến lược quan trọng nhất của giới lãnh đạo Iran kể từ cuộc cách mạng năm 1979.
Cơ hội nào cho phương Tây?
Cho đến nay, việc đưa ra quyết định chậm chạp của giới lãnh đạo Iran đã không ít lần cản trở việc thực hiện các chương trình hạt nhân. Điều này có thể tạo cơ hội cho các nước phương Tây khi mà các cuộc biểu tình trong nước đang lên đến đỉnh điểm, khiến chế độ chính trị Iran lung lay cũng như sự lên án từ cộng đồng quốc tế.
Nếu các nước phương Tây từ bỏ việc hồi sinh JCPOA và tiếp tục ủng hộ người dân biểu tình ở Iran thông qua áp lực kinh tế và ngoại giao, giới lãnh đạo Iran sẽ ngày càng e ngại các mối đe dọa trong nước.
Cần phải lưu ý rằng Iran chưa bao giờ từ bỏ các thỏa thuận hạt nhân và những cuộc đàm phán dù trước đây nước này luôn từ chối đối thoại với phương Tây.
Do đó, tình trạng bất ổn ở Iran càng lâu thì đất nước này càng khó đưa ra quyết định chắc chắn về vũ khí hạt nhân trong thời gian tới. Điều này sẽ tạo cơ hội cho phương Tây đạt được một thỏa thuận tốt hơn trong dài hạn.