“Hiện tại, các nước châu Âu đang bày tỏ mong muốn nối lại đàm phán. Chúng tôi có thể sẽ sớm bắt đầu làm việc về vấn đề này” – Ngoại trưởng Araghchi nói với Đài truyền hình nhà nước Iran.
Ngoại trưởng Iran nói thêm rằng Chính phủ của Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã đề xuất khởi động lại các cuộc đàm phán tại New York, bên lề Tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA) diễn ra từ ngày 24-30/9. Châu Âu và Mỹ cũng hoan nghênh đề xuất này.
Theo ông, kể từ khi cố Tổng thống Ebrahim Raisi lên nắm quyền, các cuộc đàm phán Iran – Mỹ đã được tổ chức thông qua trung gian Oman, nhưng quá trình này đã bị đình chỉ kể từ tháng 5.
Ngoại trưởng Iran nêu rõ: “Tại New York, các bên đã bày tỏ sự quan tâm đến việc nối lại cả hai tiến trình đàm phán: với châu Âu và với Mỹ tại Oman, nhưng các cuộc tham vấn tiếp theo đã dừng lại sau khi Israel tiến hành chiến dịch trên bộ tại lãnh thổ Liban vào cuối tháng 9”.
Tuy nhiên, ông Araghchi cảnh báo, Iran có thể mở rộng chương trình hạt nhân của mình nếu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông qua một nghị quyết chỉ trích nước này.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Iran khẳng định, Tehran sẵn sàng hợp tác với cơ quan giám sát nguyên tử của Liên hợp quốc và giải quyết những nghi ngờ về chương trình hạt nhân của mình, nhưng chỉ khi cơ quan này không gây sức ép chính trị.
Cuộc họp của hội đồng thành viên IAEA gồm 35 quốc gia dự kiến diễn ra trong tuần này. Một số thành viên hội đồng, bao gồm Pháp, Anh và Đức, được cho là đã ủng hộ một nghị quyết mới nhằm tăng cường giám sát các địa điểm hạt nhân của Iran. Mục tiêu của họ là buộc Tehran chấp nhận các hạn chế mới đối với các hoạt động hạt nhân của nước này.
Iran đã ký thỏa thuận hạt nhân JCPOA với các cường quốc thế giới vào tháng 7/2015, chấp nhận các hạn chế đối với chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận vào tháng 5/2018, tái áp đặt các lệnh trừng phạt và thúc đẩy Iran thu hẹp một số cam kết hạt nhân của mình.
Những nỗ lực nhằm khôi phục JCPOA được bắt đầu triển khai từ tháng 4/2021 tại Vienna, Áo. Tuy nhiên, qua nhiều vòng đàm phán, các bên vẫn chưa đạt được tiến triển đáng kể nào. Vòng đàm phán gần đây nhất diễn ra vào tháng 8/2022.