Trong danh sách thu hồi có 3 sản phẩm, trong đó có mì Hảo Hảo tôm chua cay (77g, hạn sử dụng 24/9/2022) và miến Good (56g, hạn sử dụng 10/11/2022) là của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam. Còn lại sản phẩm mì hải sản Yato (120g, hạn sử dụng 30/11/2022) có xuất xứ từ Trung Quốc.
FSAI nói rõ dù việc tiêu thụ sản phẩm bị nhiễm chất này không gây ra rủi ro cấp tính, nhưng việc tiêu thụ Ethylene Oxide trong thời gian dài có thể gây ra vấn đề về sức khỏe. Do đó, cần giảm thiểu tiêu thụ Ethylene Oxide.
Liên quan đến sự việc này, ngày 27/8, Cục ATTP, Bộ Y tế đã công văn đề nghị Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương xác minh, làm rõ thông tin Ireland thu hồi sản phẩm mì ăn liền hương tôm chua cay Hảo Hảo và miến ăn liền hương sườn non Good của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam để kịp thời thông tin tới người tiêu dùng.
Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa, Hà Nội cho biết, Ethylene Oxide là 1 chất rất hiếm khi có trong thực phẩm. Nhà sản xuất không bao giờ sử dụng chất này trong quy trình sản xuất, bởi đây không phải là chất phụ gia, nó không có tác dụng gì trong thực phẩm.
Ethylene Oxide có 1 tính chất rất đặc biệt, nó có khả năng khử trùng rất tốt, nhanh và mạnh so với các tác nhân khác. Nhưng chất này chỉ dùng cho những đồ không có mong muốn về độ ẩm. Đơn cử, chất này thường được sử dụng khử trùng triệt để cho các loại dụng cụ y tế.
Trong ngành công nghệ thực phẩm có thể được sử dụng khử trùng an toàn cho bao bì, dụng cụ… Nhà sản xuất không sử dụng chất này trong thực phẩm, bởi nếu sử dụng chất này còn lưu lại, gây độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vì chất này có khả năng gây ung thư. Trong khi đó, nhà sản xuất khử trùng mì ăn liền bằng cách vừa làm chín mì vừa cho vào chiên hoặc hấp mì (một công đôi việc, không cần phải khử trùng tiếp).
Liên quan đến sản phẩm mì ăn liền vừa bị thu hồi ở Ireland, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, ông đã làm việc với đại diện công ty về vấn đề hóa chất trên và được công ty khẳng định, không sử dụng công nghệ Ethylene oxide ở bất kỳ công đoạn sản xuất nào. Các nhà cung cấp nguyên vật liệu cho công ty cũng khẳng định không sử dụng Ethylene oxide trong quy trình sản xuất. Đây là sản phẩm xuất khẩu sang Ireland, không bán ở trong nước. Hiện nay, công ty này đang tiến hành phân tích, kiểm tra và điều tra trên diện rộng ở các nguyên liệu, thiết bị, quy trình liên quan để nhận định nguyên nhân và cần phải làm rõ hóa chất đó xuất phát từ khâu nào để có hướng xử lý.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nêu giả thiết, thứ nhất có thể nhà sản xuất mì mua sẵn bao bì, cuộn màng, giấy gói mì của 1 công ty khác. Trong khi công ty sản xuất bao bì muốn cho bao bì sạch, không bị mốc, họ có thể sử dụng chất Ethylene oxide để khử trùng, diệt vi khuẩn, bảo quản lâu dài. Nên khi nhà sản xuất mì dùng màng đó gói mì có khả năng nó vẫn còn dư lượng hóa chất. Trách nhiệm này thuộc về nhà sản xuất bao bì nhưng dù sao là người sử dụng nên nhà sản xuất mì cũng phải chịu trách nhiệm. Giải thiết thứ 2 có khả năng, theo một số thông tin, người ta còn dùng Ethylene Oxide để khử trùng cho những gia vị khô (hạt tiêu, ớt khô) để xuất khẩu. Sau khi khử trùng, trong 1 thời gian bảo quản thì chất này cũng thoát (bay) đi vì đây là chất khí.
Tuy nhiên, thực tế, có 1 số ngành thực phẩm, họ vẫn dùng những chất có tính chất độc hại nhưng họ dùng trong khâu cuối cùng để khử trùng thực phẩm, khi đó, chất này đã bay hơi, không còn độc hại. Nên có thể trong trường hợp này, nhà sản xuất dùng 1 ít chất này cho gia vị (ở đây có thể công ty dùng gia vị mua ở công ty nào đó mà gia vị đó được khử trùng thì nó bị nhiễm), có thể nhà sản xuất mua nguyên vật liệu ở những nơi khác mang về dùng.
“Hiện nay, các nhà khoa học chưa có nghiên cứu hàm lượng chất Ethylene Oxide bao nhiêu thì ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhưng theo các nhà y học, nếu chất Ethylene Oxide tích dần trong cơ thể con người, tùy theo từng thể trạng (người già, người trẻ, phụ nữ…) có khả năng gây ung thư (đây là 1 trong 5 nhóm chất gây ung thư). Nhưng tốt nhất, đã là chất gây ung thư thì người dân nên tránh, không nên sử dụng chất Ethylene Oxide, dù ít hay nhiều” – PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, mì ăn liền và ung thư không hề liên quan tới nhau. Trên thế giới chưa ghi nhận kết quả nghiên cứu khoa học nào chứng minh thực phẩm này là nguyên nhân gây ung thư. Hiện nay mọi vấn đề từ tuyển chọn nguyên liệu đến quy trình sản xuất mì ăn liền uy tín đều đảm bảo an toàn, loại trừ mọi yếu có thể gây ung thư cho người tiêu dùng. Mì ăn liền ngày nay được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, kiểm soát chặt chẽ các tiêu chuẩn ATTP.
Theo các chuyên gia, Ethylene Oxide (EO hoặc EtO) là một hợp chất hữu cơ, có công thức hóa học C2H4O (dạng khí). EO chủ yếu được sử dụng để làm làm chất chống đông và polyester. Một lượng nhỏ của ethylene oxide được sử dụng trong thuốc trừ sâu diệt côn trùng và thuốc xông hơi cho các loại gia vị, sách, da, giấy, đồ nội thất… Ethylene Oxide cũng là một thành phần trong dệt may, chất tẩy rửa, dung môi và chất kết dính. Người tiếp xúc với Ethylene oxide nồng độ cao có thể bị co giật, liệt, hôn mê và làm tổn hại gan và thận. Nó có thể gây ra chấn thương hại phổi, nôn mửa, suy nhược, thiếu sự phối hợp, mất trí nhớ, tiêu chảy và tê. Ngoài ra, hóa chất này cũng có thể gây kích ứng nghiêm trọng đến mắt, da, cổ họng, phổi thông qua đường hô hấp, tiếp xúc lâu dài có thể gây ra vấn đề não và hệ thống thần kinh và đục thủy tinh thể, thậm chí ung thư.