Đối với việc giải cứu JCPOA thì diễn biến mới này có tầm quan trọng rất to lớn. Chỉ có điều tất cả những gì liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp tới vấn đề hạt nhân của Iran nói chung và thoả thuận kia nói riêng ở thời điểm hiện tại đều đã trở nên khác biệt khá cơ bản so với ở vào thời điểm chính phủ Mỹ đơn phương rút Mỹ ra khỏi JCPOA hồi năm 2018.
Vì thế, kết quả cuối cùng của cuộc đàm phán trong kịch bản tích cực nhất không phải là Mỹ và Iran đơn thuần trở lại JCPOA mà sẽ là một thỏa thuận mới dựa trên tinh thần và theo đuổi mục đích của JCPOA. Nguyên nhân nằm ở những chuyển biến ở hai phía.
Thứ nhất, việc Mỹ đàm phán, ký kết và thực hiện nhưng rồi đơn phương rút khỏi JCPOA đưa lại cho Iran những lý do chính đáng và quan ngại sâu sắc về mức độ tin cậy Mỹ. Cho nên phía Iran không thể không thận trọng và giờ phải thật sự chắc chắn. Thỏa thuận mới bởi thế sẽ không thể thiếu những cơ chế để ngăn cản phía Mỹ trong tương lai lại hành xử như năm 2018 với JCPOA.
Thứ hai, ở Iran mới đây có sự thay đổi tổng thống và chính phủ. Người mới ở phía Iran không những chỉ có quan điểm khác, chủ định cách tiếp cận khác trong việc này mà còn cần nhiều chứ không thể ít thời gian để nhập cuộc đàm phán với 6 bên kia, đặc biệt với Mỹ.
Từ sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA, Iran đã có những bước đi nhất định trong chương trình hạt nhân của mình mà trong thực chất có khác với các quy định của JCPOA, đều là những vấn đề mới mà các bên kia phải quan tâm xử lý.
Ngoài ra, năm bên còn lại cần được xác lập trong thỏa thuận mới vai trò của họ để thoả thuận mới không bị như thoả thuận cũ và để thỏa thuận mới thật sự là thỏa thuận giữa 7 bên chứ không phải riêng cho giữa Mỹ và Iran. Vì vậy, đàm phán được nối lại nhưng đích đến vẫn còn cách xa.