Kế hoạch đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài là khả thi

Trần Oanh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường lao động nước ngoài đang mở rộng, kế hoạch đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022 là có cơ sở và khả thi.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH Nguyễn Gia Liêm cho biết, khi trả lời phỏng vấn của Kinh tế & Đô thị.

Thưa ông, những quốc gia nào đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động Việt Nam sang làm việc?

- Trong thời gian qua, do đại dịch Covid-19, các thị trường lao động ngoài nước của ta có những quy định khác nhau trong việc tiếp nhận lao động. Cụ thể: Thị trường lao động ở các nước châu Âu vẫn tiếp nhận lao động từ năm 2021; Hàn Quốc vẫn tiếp nhận lao động làm việc trên tàu biển và tàu đánh cá xa bờ và ven bờ, tuy nhiên đối với lao động đi theo chương trình EPS thì mới tiếp nhận trở lại từ tháng 5; Đài Loan mở lại từ ngày 15/2/2022; Nhật Bản bắt đầu mở lại từ tháng 3/2022 và một số thị trường lao động khác cũng đã có chính sách tiếp nhận lao động với các điều kiện và quy định thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH Nguyễn Gia Liêm.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH Nguyễn Gia Liêm.

Đến thời điểm này, các DN được cấp phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có chỉ tiêu tuyển dụng ra sao?

- Hiện nay, các DN đã tuyển lao động theo các hợp đồng cung ứng lao động được đăng ký tại Cục Quản lý lao động ngoài nước là hơn 80.000 người (Nhật Bản khoảng 60.000 người, Đài Loan khoảng 13.000 người và Hàn Quốc khoảng 7.000 người và một số thị trường khác); trong đó có khoảng 30.000 lao động đã làm xong thủ tục và đang chờ xuất cảnh. Các DN cho biết, nhiều đối tác nước ngoài vẫn đang có nhu cầu tiếp nhận thêm lao động Việt Nam đi làm việc ở các thị trường, nhưng do tình hình dịch bệnh nên tạm thời chưa ký kết hợp đồng mới mà tập trung hoàn thiện các thủ tục cho số lao động đang tồn tại xuất cảnh.

Tuy nhiên, xu hướng tới đây, các thị trường cần nhiều lao động qua đào tạo, có chứng chỉ trình độ kỹ năng nghề. NLĐ đi làm việc có trình độ kỹ năng nghề, ngoại ngữ sẽ có thu nhập cao, vị thế việc làm ổn định và ý thức tổ chức kỷ luật tốt. Đặc biệt, ở một số thị trường lao động yêu cầu NLĐ phải có bằng cấp, chứng chỉ trình độ kỹ năng nghề, ngoại ngữ để hạn chế nhận lao động phổ thông, trình độ thấp đến làm việc.

Các lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tập trung ở những lĩnh vực, ngành nghề nào, thưa ông?

- Thời gian qua, đại bộ phận lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài tập trung vào các lĩnh vực sản xuất chế tạo, nhà máy, công xưởng (chiếm trên 80% số lượng người đi làm việc tại nước ngoài hàng năm). Ngoài ra, các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe (điều dưỡng, hộ lý làm việc tại bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi), nông nghiệp, xây dựng cũng là những ngành nghề mà các quốc gia/vùng lãnh thổ có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài.

Lao động Việt Nam luôn được người sử dụng lao động và các cơ quan hữu quan tại nước tiếp nhận đánh giá tích cực về sự chăm chỉ, cần cù, nắm bắt nhanh công việc, làm việc có chất lượng và năng suất. Tại một số thị trường tiếp nhận như Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc, lao động Việt Nam luôn được DN, người sử dụng lao động ưu tiên tiếp nhận hơn so với lao động nhiều quốc gia phái cử khác.

Thưa ông, thị trường lao động nước ngoài đang rộng mở, năm 2022 chúng ta có đạt được mục tiêu đưa 90.000 người ra nước nước ngoài làm việc?

- Chúng ta cũng như hầu hết các nước đều có sự thay đổi chính sách thích ứng với dịch bệnh Covid-19 nhằm phục hồi nền kinh tế thông qua việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Do đó nhu cầu tiếp nhận lao động sẽ gia tăng, là thời cơ thuận lợi để tăng cường đưa lao động đi làm việc ở các thị trường này.

Bên cạnh đó, cùng với các thị trưởng truyền thống, Bộ LĐTB&XH sẽ tiếp tục thúc đẩy ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động đối với các nước để mở rộng thị trường lao động ngoài nước, như với CHLB Đức, Liên bang Nga; Australia (chương trình visa nông nghiệp), Israel và một số thị trường châu Âu khác. Hiện nay, các DN đang phối hợp với đối tác nước ngoài để triển khai các hợp đồng cung ứng lao động đã ký kết và đăng ký. Cùng với chính sách mở cửa của các thị trường lao động như đã nói ở trên, việc thực hiện kế hoạch 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022 là có cơ sở và khả thi.

Xin cảm ơn ông!