Trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia hôm 3/6 đã đề xuất một kế hoạch hòa bình để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, kêu gọi thiết lập một khu phi quân sự và một cuộc trưng cầu dân ý của Liên Hợp quốc về "lãnh thổ tranh chấp".
Kế hoạch hòa bình mới cho Ukraine?
Cụ thể, Bộ trưởng Prabowo Subianto kêu gọi các quan chức quốc phòng và quân sự từ khắp nơi trên thế giới, tập trung tại cuộc họp quốc phòng Đối thoại Shangri-La ở Singapore, đưa ra tuyên bố kêu gọi ngừng chiến sự.
Ông đề xuất một kế hoạch đa điểm bao gồm ngừng bắn và thiết lập khu vực phi quân sự bằng cách rút lui 15 km từ vị trí tiền phương của mỗi bên.
Ông nói khu vực phi quân sự nên được quan sát và giám sát bởi lực lượng gìn giữ hòa bình do Liên Hợp Quốc triển khai, đồng thời cho biết thêm rằng cần có cuộc trưng cầu dân ý của Liên Hợp quốc "để xác định một cách khách quan mong muốn của đa số cư dân ở các khu vực tranh chấp khác nhau".
"Tôi đề xuất rằng đối thoại Shangri-La nên tìm một phương thức... tuyên bố tự nguyện thúc giục cả Ukraine và Nga ngay lập tức bắt đầu đàm phán vì hòa bình," ông Prabowo nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko đã bác bỏ kế hoạch này, đồng thời nhắc lại quan điểm của Kiev rằng Nga nên rút quân khỏi Ukraine.
Ông Nikolenko cho rằng bất kỳ đề xuất ngừng bắn nào cũng sẽ chỉ cho phép các lực lượng Nga tập hợp và củng cố.
Đề xuất của Indonesia được đưa ra sau chuyến thăm của Tổng thống Joko Widodo vào năm ngoái tới Moscow và Kiev, nơi ông đề nghị đóng vai trò trung gian hòa bình giữa các nhà lãnh đạo và tái khởi xướng các cuộc đàm phán hòa bình. Indonesia là chủ tịch của nhóm các nền kinh tế lớn G20 vào thời điểm đó.
Cũng tại Đối thoại, Josep Borrell Fontelles, đại diện cấp cao và phó chủ tịch Ủy ban châu Âu của Liên minh châu Âu cho biết: "Chúng tôi không thể ngừng hỗ trợ quân sự cho Ukraine bởi vì chúng tôi không muốn nền hòa bình... nền hòa bình của sự đầu hàng. Nền hòa bình của kẻ mạnh hơn," Borrell nói.
Tổng thống Ukraine Volodymr Zelensky đã đề xuất một kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm, trong đó kêu gọi Nga rút toàn bộ quân đội khỏi Ukraine. Ông Nikolenko kêu gọi Indonesia ủng hộ kế hoạch hòa bình này.
Mỹ-Trung đấu khẩu
Cũng tại Đối thoại, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố rằng Washington sẽ không ủng hộ bất kỳ “sự ép buộc và bắt nạt” nào đối với các đồng minh và đối tác từ Trung Quốc, đồng thời đảm bảo với Bắc Kinh rằng Mỹ vẫn cam kết duy trì hiện trạng đối với Đài Loan và muốn đối thoại hơn là xung đột.
Trong bài phát biểu, ông Austin kêu gọi ủng hộ tầm nhìn của Washington về một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và an toàn trong một thế giới có luật lệ và quyền lợi”.
"Nói một cách rõ ràng, chúng tôi không tìm kiếm xung đột hay đối đầu,” ông nói. “Nhưng chúng tôi sẽ không nao núng khi đối mặt với bắt nạt hoặc ép buộc", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết.
Ngày 3/6, Hải quân Mỹ thông báo một tàu chiến Mỹ và một tàu chiến Canada đi qua eo biển Đài Loan. Hoạt động phô trương sức mạnh quân sự này có thể càng đẩy Mỹ và Trung Quốc ra xa hơn nữa.
Một trong những vấn đề nhức nhối nhất trong quan hệ giữa hai quốc gia là tương lai của Đài Loan, Trung Quốc.
Ông Austin liên hệ đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và khẳng định cam kết của Mỹ trong bảo vệ nguyên trạng ở eo biển Đài Loan, phản đối những thay đổi đơn phương từ bất kỳ bên nào.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng, một cuộc chiến ở Đài Loan sẽ “tàn khốc” và ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu “theo những cách chúng ta không thể tưởng tượng được”.
Tiêu chuẩn kép, ngoại lệ
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Tướng Lý Thượng Phúc trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La hôm 4/6 đã chỉ trích “một số quốc gia” thích áp đặt các quy tắc riêng lên các quốc gia khác trong “trật tự quốc tế dựa trên quy tắc”.
“Cái gọi là trật tự quốc tế dựa trên quy tắc không bao giờ cho bạn biết các quy tắc đó là gì và ai đã đặt ra chúng” ông Lý nói, không đề cập tới Mỹ hay các đối tác liên quan.
“Nó được triển khai theo chủ nghĩa ngoại lệ và tiêu chuẩn kép, đồng thời chỉ phục vụ lợi ích và tuân theo quy tắc của một số ít quốc gia,” Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nói tại hội nghị quốc phòng lớn nhất châu Á.
Ông cho biết quan hệ giữa hai nước trong vài năm qua đã xuống mức “thấp kỷ lục” kể từ năm 1979, khi hai nước thiết lập quan hệ chính thức.
“Không thể phủ nhận rằng một cuộc xung đột hoặc đối đầu nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ là một thảm họa không thể chịu đựng nổi đối với thế giới."
“Trung Quốc tin rằng một cường quốc nên hành xử như một cường quốc thay vì kích động đối đầu trong khối vì lợi ích cá nhân.”
Ông Lý cũng nhắc lại lập trường của Bắc Kinh đối với Đài Loan, nói rằng hòn đảo này là “lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”, và vẫn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, nằm ngoài giới hạn của các chính phủ nước ngoài.
“Đài Loan là của Trung Quốc, và cách giải quyết vấn đề Đài Loan là vấn đề do người Trung Quốc quyết định,” ông nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cho biết Bắc Kinh không loại trừ việc sử dụng vũ lực để đặt Đài Loan dưới sự kiểm soát. Bắc Kinh coi việc thống nhất Đài Loan và Trung Quốc đại lục là một cột mốc quan trọng trong quá trình “phục hưng quốc gia”.
“Nếu ai dám tách Đài Loan ra khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ không chần chừ một giây, chúng tôi sẽ không sợ đối thủ và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ bằng bất cứ giá nào.”
.