Chứng khoán châu Á giao dịch khởi sắc nhờ tâm lý lạc quan của các nhà giao dịch trước vòng đàm phán thứ 13 giữa Mỹ và Trung Quốc dự kiến diễn ra từ ngày 10 - 11/10 tại vWashington, trong đó các chỉ số chính ở Nhật Bản và Hàn Quốc đều tăng điểm.
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 8/10 thông báo Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ dẫn dầu đoàn đàm phán nước này tới Washington để tham gia vòng đàm phán thương mại tiếp theo với Mỹ trong 2 ngày 10-11/10. Theo bộ trên, ông Lưu Hạc sẽ gặp Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính nước này Steven Mnuchin.
Trong tuyên bố mới nhất hôm 7/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ hy vọng vòng đàm phán tới đây sẽ chấm dứt căng thẳng thương mại giữa hai nước.
Những thông tin tích cực trên đã đẩy thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,96%, trong khi chỉ số Topix cộng 0,83%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc nhích 0,42% nhờ cổ phiếu Samsung leo dốc tới 0,63%. Thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục đóng cửa nghỉ lễ trong phiên này.
Tại thị trường Australia, chỉ số ASX 200 ghi nhận mức tăng 0,41%, với hầu hết các lĩnh vực đều đi lên. Đặc biệt, trong phiên này, cổ phiểu của Ngân hàng Quốc gia Australia tăng 0,61% và Ngân hàng Commonwealth cộng 0,51%.
Chuyên gia thị trường Rahul Khare của ANZ Research lưu ý trong ngày 8/10: “Giới đầu tư trên thị trường cổ phiếu trong tuần này đang tập trung vào các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung và các cuộc thảo luận về Brexit sau một tuần đón nhận số liệu kinh tế kém khả quan”.
Theo chuyên gia Khare, thị trường tiếp tục tranh luận về mức độ nới lỏng cần thiết của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sau khi tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm, nhưng các chỉ số sản xuất lại suy yếu.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số Dollar, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, được giao dịch ở mức 98,985 điểm, giảm từ mức gần 99,600 điểm trong tuần trước.
Tại thị trường chứng khoán Mỹ, các chỉ số chính đi xuống trong phiên 7/10, khi giới đầu tư chờ tin từ các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Bất kỳ sự thay đổi thực chất hay đột phá nào là không có khả năng, nhưng các cuộc đàm phán tích cực sẽ là chất xúc tác thúc đẩy thị trường”, Phil Blancato - CEO của Ladenburg Thalmann Asset Management, nhận định.
Một báo cáo cho thấy các quan chức Trung Quốc đang ngày càng không sẵn lòng đồng ý một thỏa thuận thương mại bao quát mà Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi.
Phó Thủ tướng Trung Quốc, Lưu Hạc, người sẽ dẫn đầu đàm phán cho Trung Quốc, nói với các quan chức rằng đề nghị của ông đối với Mỹ sẽ không bao gồm các cam kết cải cách chính sách công nghiệp hoặc trợ cấp chính phủ của Trung Quốc, tờ Bloomberg đưa tin hôm 6/10.
Các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dự kiến nối lại ở Washington từ ngày 10/10. Các cuộc đàm phán cấp phó đã khởi động vào ngày 7/10.
Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế trị giá hàng tỷ USD đối với hàng hóa của nhau từ đầu năm 2018, làm chao đảo các thị trường tài chính và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý kinh doanh và tiêu dùng.
Thị trường Phố Wall bước vào phiên ngày 7/10 sau khi chỉ số Dow Jones và S&P 500 ghi nhận 3 tuần giảm liên tiếp sau khi một loạt dữ liệu kinh tế Mỹ đáng thất vọng cho thấy thương chiến đang bắt đầu đe dọa xảy ra cuộc suy thoái. Dow Jones sụt 0,9% trong tuần trước, còn S&P 500 hạ 0,3%.
Tuy nhiên, dữ liệu yếu kém cũng làm tăng hy vọng về việc nới lỏng chính sách tiền tệ từ FED. Thị trường dự báo khả năng 80% lãi suất sẽ được giảm vào cuối tháng này, theo công cụ FedWatch của CME Group
Chốt phiên này, chỉ số Dow Jones rớt 95,70 điểm (tương đương 0,4%) xuống 26.478,02 điểm, chỉ số S&P 500 sụt 0,5% còn 2.938,79 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,3% xuống 7.956,29 điểm.