Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Kẻ khóc, người cười” với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cổ phiếu bất động sản đang dần hồi phục trong khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này còn nhiều khó khăn.

Cổ phiếu bất động sản nổi sóng

Được hỗ trợ từ thị trường chứng khoán Mỹ và Châu Á, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp đà tăng. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/7, VN-Index tăng 17,08 điểm (1,43%) lên 1.208,12 điểm, HNX-Index tăng 5,32 điểm (1,87%) đạt 289,84 điểm, UPCoM-Index tăng 0,63 điểm (0,71%) lên 89,5 điểm.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản có nhiều đối lập.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản có nhiều đối lập.

Dòng tiền đã bắt đầu tìm về thị trường chứng khoán khi thanh khoản sàn HOSE đạt hơn 15.300 tỷ đồng, mức thanh khoản chưa từng xuất hiện trong 2 tháng gần đây. Trong đó, GAS, BID, VRE, SAB là những trụ đỡ dẫn dắt thị trường. Ở chiều ngược lại, FPT, MSN, VIC, BVH là những tác nhân lớn nhất làm giảm điểm.

Nhờ sự cộng hưởng từ thị trường thế giới, phiên này chỉ số chính tăng điểm tốt với độ lan tỏa bao phủ đa số nhóm ngành, tuy cuối phiên có áp lực bán làm cho đà tăng hạ nhiệt nhưng vẫn giữ điểm số tương đối.

Đáng chú ý trong phiên này, nhóm cổ phiếu bất động sản hồi phục khá mạnh. Trong đó phải kể đến DIG với biên độ tăng 6,71% lên 38.950 đồng/cổ phiếu; CEO cũng tăng tới 3,92%, lên mốc 31.800 đồng/cổ phiếu; L14 tăng 5,72%, lên mốc 107.200 đồng/cổ phiếu; DXG tăng 2,72%, lên mốc 24.550 đồng/cổ phiếu… Trong phiên này “ông lớn” VHM cũng hồi phục 0,34%.

Có thể thấy, dù diễn biến cổ phiếu bất động sản có phần khởi sắc nhưng tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp nhóm này đang là một bức tranh đa chiều. Đơn cử như VHM, theo báo cáo tài chính vừa mới công bố của Vinhomes, doanh nghiệp này ghi nhận mức lãi ròng 509 tỷ đồng trong quý 2, mức thấp nhất kể từ khi niêm yết. Trong khi đó, lợi nhuận Vincom Retail (VRE) phục hồi mạnh lên 773 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ.

Tương tự, doanh thu của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) trong nửa đầu năm cũng chỉ đạt 3.490 tỷ đồng, và 401 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ, giảm lần lượt 46% và 52% so với cùng kỳ. Như vậy sau 6 tháng, Đất Xanh thực hiện 32% kế hoạch doanh thu và 29% kế hoạch lợi nhuận.

Ở chiều ngược lại, với kết quả kinh doanh khả quan hơn, Tập đoàn xây dựng Hoà Bình (HBC) cho biết, trong quý 2/2022, HBC có doanh thu đạt 4.080 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Dù vậy, giá vốn tăng khiến lợi nhuận gộp trong kỳ giảm xuống còn 134 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tương ứng cũng giảm phân nửa xuống còn 3,28% (con số hồi quý 2/2021 là 6,1%).

CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 với doanh thu thuần tăng gần 59% so với cùng kỳ, lên 853 tỷ đồng. Nguyên nhân doanh thu tăng mạnh theo PDR do diện tích chuyển nhượng được bàn giao thuộc Khu chung cư cao tầng, Phân khu số 4, thuộc Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội cao vượt trội do với cùng kỳ. Trong đó, doanh chuyển nhượng đất thuộc Khu chung cư cao tầng, Phân khu số 4 (Nhơn Hội New City) đóng góp trên 800 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Phát Đạt ghi nhận doanh thu thuần 1.479 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 688 tỷ đồng, lần lượt tăng 31% và 37% so với cùng giai đoạn năm 2021. Như vậy, trong nửa đầu năm, doanh nghiệp chỉ mới thực hiện được 14% chỉ tiêu về doanh thu (10.700 tỷ đồng) và 23% chỉ tiêu về lợi nhuận cả năm (2.908 tỷ đồng).

Tăng dần tỷ trọng cổ phiếu

Dự báo phiên giao dịch ngày 29/7, nhiều công ty chứng khoán cho rằng, thị trường có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh trong phiên giao dịch kế tiếp khi VN-Index tiệm cận sát đường trung bình 50 phiên.

Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, mặc dù thị trường cho tín hiệu khởi sắc, tuy nhiên nến ngày của VNIndex cho thấy lực cung gia tăng khi chỉ số dần tiệm cận vùng 1.218 – 1.220 điểm. Trong phiên tới, chỉ số có thể thử thách lại khu vực 1.218 - 1.220 này trước khi chuyển sang trạng thái điều chỉnh và tích lũy.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) cũng nhận định, thị trường có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh trong phiên giao dịch kế tiếp khi VN-Index tiệm cận sát đường trung bình 50 phiên. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu sớm kết thúc giai đoạn tích lũy ngắn hạn, đặc biệt thanh khoản hồi phục mạnh và dòng tiền lan tỏa đều giữa các nhóm cổ phiếu.

Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tăng mạnh cho thấy các nhà đầu tư ngắn hạn đã có dấu hiệu lạc quan hơn với xu hướng ngắn hạn hiện tại. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung được nâng từ mức trung tính lên tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua mới và tăng dần tỷ trọng cổ phiếu.

Còn Công ty Chứng khoán MB (MBS) phân tích, nhịp hồi phục của thị trường đã xảy ra ở kịch bản thuận lợi, qua đó VN-Index đã tận dụng được cơ hội để vượt mốc cản tâm lý ở 1.200 điểm một cách thuyết phục. Thanh khoản thị trường thậm chí còn ở mức cao nhất trong vòng một tháng.

Sự luân chuyển của dòng tiền ở các nhóm cổ phiếu dẫn dắt và ở các trụ là những dấu hiệu cho thấy thị trường mạnh, xu hướng đi lên chậm chắc và mặt bằng cổ phiếu cũng được nâng dần lên. Cho đến thời điểm này yếu tố tác động bên trong và bên ngoài đang có dấu hiệu chuyển biến tích cực.

Do vậy nhà đầu tư đang có kỳ vọng nhịp phục hồi còn có thể kéo dài, nếu có rung lắc hay điều chỉnh thì đó là cơ hội để cơ cấu danh mục, các nhóm cổ được tăng trưởng tốt sẽ là sự lựa chọn của dòng tiền.