Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kết nối Cơ chế một cửa ASEAN là chủ động hội nhập

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam và các quốc gia ASEAN đã triển khai hàng loạt các biện pháp tập trung thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN, tạo thuận lợi hóa thương mại và góp phần đưa ASEAN trở thành một thị trường chung.

Kết quả Cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam

Xuất phát từ nhu cầu nội tại về phát triển kinh tế, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư và kinh doanh, đảm bảo vị thế của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã xác định cần nhanh chóng cải cách các thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực coi đây là một trong nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ trong giai đoạn hội nhập. 

Trong đó, việc thực hiện thành công Cơ chế một cửa quốc gia như là một công cụ chính của các cơ quan chính phủ trong tạo thuận lợi cho thương mại và vận tải quốc tế cũng như sớm kết nối Cơ chế một cửa ASEAN đã được các cấp Lãnh đạo Chính phủ quan tâm theo dõi sát sao và có những chỉ đạo hết sức quyết liệt.
kết nối các Bộ Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, với việc thủ tục hải quan được thực hiện dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4
Các Bộ: Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải kết nối Một cửa quốc gia giai đoạn 1, kết quả thủ tục hải quan được thực hiện dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Kết quả đạt được trong giai đoạn 1 đã kết nối các Bộ Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, với việc thủ tục hải quan được thực hiện dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trên toàn quốc, trên hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS kèm theo Cổng thanh toán điện tử đối với thuế áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu,nhập khẩu, lệ phí làm thủ tục hải quan.

Giai đoạn 2, từ tháng 6 đến hết năm 2015 thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia mở rộng kết nối kết nối với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế.

Theo Ban chỉ đạo quốc gia giai đoạn 3, kết nối các Bộ Khoa học và Công nghệ; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tính đến cuối tháng 8, toàn quốc có 1.936 doanh nghiệp thực hiện khai báo thủ tục cảng biển trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Trong đó, có 246 hãng vận tải  và đại lý vận tải, 1.690 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và giao nhận hàng hóa, với tổng số 9.435 hồ sơ xuất nhập cảnh và quá cảnh.

Việt Nam chủ động tham gia Cơ chế một cửa ASEAN 

Với vai trò là một thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam đã chủ động tham gia các nhóm làm việc của ASEAN trong khuôn khổ triển khai Cơ chế một cửa ASEAN ngay từ thời điểm xây dựng dự thảo Hiệp định, Nghị định thư và đưa nội dung của các điều ước này vào thực hiện khi được Chính phủ các nước thành viên phê chuẩn. 

Cho tới thời điểm hiện tại, các nhóm làm việc của ASEAN đã trải qua nhiều phiên làm việc với 15 phiên họp Ban chỉ đạo ASEAN, 32 phiên họp của Nhóm làm việc về các vấn đề kỹ thuật và 24 phiên họp của Nhóm làm việc về các vấn đề pháp lý. Những kết quả chính mà ASEAN đã đạt được bao gồm:

Về mặt pháp lý, Việt Nam đã hoàn thành rà soát pháp lý và nội luật hóa các quy định để triển khai Cơ chế một cửa ASEAN. Các nước thành viên cũng đã ký Nghị định thư về khung pháp lý thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN, nền tảng pháp lý hoàn chỉnh để Cơ chế một cửa ASEAN chính thức vận hành trong năm 2015.

Về mặt kỹ thuật, hiện tại Việt Nam là một trong 7 nước thành viên cùng với Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan triển khai Cơ chế một cửa quốc gia theo đúng cam kết. Việt Nam là một trong 5 nước thành viên cùng với Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan đã sẵn sàng cho việc kết nối Cơ chế một cửa ASEAN.

Trong khuôn khổ Dự án thí điểm Cơ chế một cửa ASEAN, tháng 9/2015 tới đây Việt Nam sẽ lần lượt thực hiện thành công kết nối kỹ thuật và trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa điện tử theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giữa Cơ chế một cửa quốc gia Việt Nam với Cơ chế một cửa quốc gia của các nước thành viên bao gồm Indonesia, Malaysia và Thái Lan. 
Hàng hóa của Thái Lan có mặt ngày càng nhiều trên thị trường Việt Nam nhờ thủ tục thông quan được thông thoáng thuận lợi.
Hàng hóa của Thái Lan có mặt ngày càng nhiều trên thị trường Việt Nam nhờ thủ tục hải quan được thông thoáng, thuận lợi.
Nhìn chung, các Bộ, ngành đã xác định việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia không chỉ xuất phát từ nhu cầu hội nhập và thực hiện cam kết quốc tế mà còn từ nhu cầu nội tại phải cải cách hành chính của các cơ quan nhà nước. Từ đó, các Bộ, ngành đã có những bước đi chủ động hơn trong công tác phối hợp liên ngành cũng như tổ chức thực hiện. 

Hệ thống các quy trình thủ tục hành chính có liên quan đến triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đã được cụ thể hóa, đó là Luật Hải quan 2014 và Nghị định 08/2015/NĐ-CP tạo cơ sở pháp lý vững chắc hơn. 

Kết quả, Cơ chế một cửa quốc gia đã rút ngắn được khoảng 4/5 thời gian làm thủ tục. Đối với thủ tục hành chính của các Bộ, ngành, khi triển khai thực hiện theo Cơ chế một cửa quốc gia, mặc dù chưa có số liệu đo cụ thể song mục tiêu đề ra là sẽ rút ngắn được khoảng từ 15% - 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính hoặc nhiều hơn. 

Bên cạnh đó, khi triển khai đầy đủ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trên Cơ chế một cửa quốc gia, ước tính hầu hết bộ hồ sơ do doanh nghiệp phải nộp/xuất trình sẽ được đơn giản hóa và điện tử tử hóa; qua đó giảm thời gian và chi phí cho chuẩn bị chứng từ, hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính.

Đây vừa là bước tập dượt vừa là cơ hội để chuyển đổi phương thức hoạt động sang môi trường điện tử, đào tạo nguồn lực để có thể sẵn sàng cho quá trình hội nhập hướng ra các thị trường mà ở đó, môi trường kinh doanh và hành chính không giấy tờ. 

Mặt khác, các cơ quan nhà nước có được cơ sở dữ liệu về chứng từ hành chính điện tử để sẵn sàng trao đổi với các cơ quan hành chính nhà nước thuộc các thị trường xuất khẩu của Việt Nam, qua đó mở ra cơ hội đơn giản hóa các hồ sơ, chứng từ áp dụng cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.

Bài học để thành công Cơ chế một cửa ASEAN 

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, Việt Nam đã quyết tâm về mặt chính trị của toàn bộ hệ thống các cơ quan nhà nước với sự ủng hộ mạnh mẽ và chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ cho tới các cấp thừa hành; định hướng mang tính chiến lược cũng như kịp thời tháo gỡ vướng mắc ở những thời điểm mang tính đột phá sẽ đảm bảo biến quyết tâm chính trị thành những hành động cụ thể, thiết thực của từng Bộ, ngành. 

Ban chỉ đạo quốc gia có đủ nguồn lực kèm theo một cơ chế huy động nguồn lực linh hoạt từ các Bộ, ngành tham gia xuyên suốt trong toàn bộ quá trình từ khâu chuẩn bị cho tới bước triển khai thực tế sẽ đảm bảo cho các kế hoạch; sự tích cực và chủ động của các Bộ, ngành là yếu tố then chốt để toàn bộ hệ thống được vận hành một cách trôi chảy và hiệu quả; nguồn lực tài chính đầy đủ và cơ chế đầu tư linh hoạt trong triển khai các dự án ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN sẽ đảm bảo có được một hạ tầng kỹ thuật đầy đủ làm công cụ để triển khai các quy định pháp lý ngay khi các quy định này có hiệu lực; việc đào tạo, tập huấn, hỗ trợ việc thực hiện thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia dành cho cộng đồng sẽ thu hút được sự quan tâm, ủng hộ từ cả khu vực công và khu vực tư nhân. 

Đây là những giải pháp cốt lõi để Việt Nam thành công triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN trong thời gian tới, với 2 giai đoạn với định hướng tập trung giải quyết giai đoạn cuối 2015 và giai đoạn 2016 – 2020, nhằm tăng cường năng lực của ASEAN, tạo ra một thị trường thống nhất, phát triển mạng lưới sản xuất trong khu vực, là một trung tâm sản xuất trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu./.