Áp lực đến từ nhiều phía
Chia sẻ tại diễn đàn, Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: Học sinh đi học thì thời nào cũng có áp lực; áp lực không chỉ với học sinh bình thường mà còn với cả học sinh giỏi. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm gì để vượt qua áp lực. Bí quyết đó theo nhà thơ Trần Đăng Khoa là chịu khó đọc và chịu khó học.
TS Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội đồng tình quan điểm trên khi cho rằng, tuổi học đường lúc nào, thời kỳ nào cũng có áp lực; vấn đề là nhìn nhận, phát hiện, giải quyết áp lực như thế nào.
TS Nguyễn Thanh Sơn chỉ ra 5 nguyên nhân gây nên áp lực với học sinh, đó là từ gia đình, từ nhà trường, từ bạn bè, từ cuộc sống và từ chính bản thân mình. Nếu áp lực đến từ nhà trường thì tâm sự, chia sẻ với thầy cô.
Còn Nhà thơ Trần Đăng Khoa nêu, muốn cởi bỏ áp lực đến từ bạn bè, các học sinh cần hiểu bạn mình; đồng thời cũng phải bộc lộ, mở lòng mình ra để bạn bè có thể hiểu mình hơn...
Chìa khóa là sự yêu thương, thấu hiểu
Chia sẻ những tâm sự sâu kín, em N.D.K kể rằng, bắt đầu từ năm 2017, gia đình em chuyển sang Đức với kỳ vọng có môi trường sống và học tập tốt hơn. Tuy nhiên, em gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường, chương trình học tập mới và bạn bè mới; đồng thời ít có điều kiện để tâm sự, chia sẻ với mẹ hay những người thân trong gia đình ở Việt Nam. Khi đó, em cũng không biết cách để tìm đến sự tư vấn, chia sẻ của giáo viên chủ nhiệm.
“Điều em muốn nói” là diễn đàn đầu tiên do Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Hội đồng đội TƯ, báo Tiền phong, UBND quận Ba Đình phối hợp tổ chức. Diễn đàn có sự tham gia của nhiều nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia tâm lý, nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ cùng lãnh đạo phòng GD&ĐT đến từ 30 quận, huyện, ban giám hiệu các trường THCS, THPT cùng gần 1.000 học sinh của trường THCS Giảng Võ và một số trường THCS trên địa bàn TP.
Năm 2020, gia đình quyết định đưa em trở về Việt Nam. Thời gian đầu em gặp một số rào cản và vẫn ít có sự tương tác trao đổi với mẹ. Nhưng nhờ sự tư vấn, chia sẻ của giáo viên chủ nhiệm em đã vượt qua những vấn đề băn khoăn, rào cản; có sự tương tác kết nối hơn với gia đình.
Em Đ.X.T bộc bạch: “Em là người khá mẫn cảm với những lời nói, dễ bị tổn thương, thường cảm thấy lạc lõng. Trong một lần bị cô giáo trách mắng vì không ghi chép bài đầy đủ, em cảm thấy cô hiểu sai mình và những lời nói của cô như những mảnh thủy tinh đâm thẳng vào tim em. Em đã cảm thấy tổn thương và căng thẳng vì những câu nói đó. Em cũng thường bị miệt thị ngoại hình…. Có thời điểm, em chỉ nằm trên giường khóc và từng nghĩ muốn biến khỏi thế giới này. Nhưng khi gặp được cô Ngân (giáo viên phụ trách phòng tham vấn học đường), cô đã dạy em cách yêu bản thân mình bởi mỗi người là một cá thể riêng, có điểm mạnh điểm yếu. Nói chuyện, tâm sự với cô giúp em thấy nhẹ nhõm hơn nhiều….”.
BS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe trẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi TƯ cho rằng: "Mong muốn của các em là sự thấu hiểu từ cha mẹ, thầy cô, bạn bè; nghe thì dễ nhưng thực tế lại rất khó. Chúng tôi muốn các em hiểu rằng việc chia sẻ đôi khi rất khó khăn nhưng các em hãy tiếp tục chia sẻ, khi đó thầy cô, cha mẹ mới hiểu và chia sẻ được với các em để các bên cùng hiểu nhau. Mong các em sẽ tham gia phối hợp để giúp cho mình có một sức khoẻ tâm lý thực sự khoẻ khoắn".
Từ những thực tế được chia sẻ ở trên, PGS Trần Thành Nam, trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia) nhận định: "Qua câu chuyện của các em, tôi thấy rằng, có nhiều lúc các em đã mất đi sự mất kết nối. Những vết thương ngoài da có thể rất nhanh lành lặn nhưng có những vết thương lòng khiến các em cảm thấy tổn thương. Hãy đối xử với những vết thương lòng như những vết thương ngoài da vậy. Sẽ có người rất khéo léo giúp vết thương của các bạn lành lặn hơn. Các em có thể nói cha mẹ không lắng nghe, nhưng hãy tìm nhiều cách thức hơn để cha mẹ thấu hiểu mình như chọn thời gian cha mẹ không bận rộn, viết email, nhắn tin... Hoặc tìm đến người thân, người bạn, thầy cô mà các bạn có thể tin tưởng. Họ có thể mang đến cho bạn những phản hồi tích cực...".
Diễn đàn "Điều em muốn nói" đã thực sự là diễn đàn mở- nơi những tâm tư, những chia sẻ thầm kín, sâu thẳm trong tâm hồn được các em học sinh nói ra để thầy cô, cha mẹ lắng nghe, chia sẻ; từ đó có những lời động viên hữu ích với con cái, học trò của mình- nhất là trong thời điểm học sinh chuẩn bị bước vào các kỳ thi quan trọng của năm học...
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Lưu Hoa mong rằng, từ những chia sẻ của các khách mời, đại biểu trong diễn đàn, các em học sinh sẽ có cách ứng xử, xử lý và nhận biết những tình huống xảy ra trong cuộc sống hằng ngày theo hướng tích cực nhất; đồng thời hy vọng đại diện phòng giáo dục, các trường phổ thông sẽ căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương để lan tỏa, tổ chức các diễn đàn tương tự, làm cầu nối giữa học sinh với nhà trường và gia đình để lắng nghe, đồng hành, làm chỗ dựa vững chắc cho các em.