Kết quà thăm dò bầu cử tổng thống Mỹ mới nhất nói lên điều gì?

Việt Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bầu cử tổng thống Mỹ chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ diễn ra, nhưng chưa ứng cử viên nào thật sự bứt phá trước đối thủ của mình.

Gần 1 tháng trước, trang tin Politico đã xác định 5 yếu tố quyết định tâm lý cử tri trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Giờ đây, việc áp dụng chúng vào kết quả các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy sự cạnh tranh giữa các ứng viên vẫn cực kỳ sít sao.

Sự ủng hộ cho bà Kamala Harris

Sau khi giành tấm vé để cử của đảng Dân chủ, phó tổng thống Mỹ đang nỗ lực “làm mới” bản thân để lấy lòng người dân. Tuy nhiên, nguồn năng lượng đó dường như đạt đến giới hạn ở thời điểm hiện tại.

Theo trang thống kê RealClearPolitics, trung bình tỷ lệ cử tri ​​ủng hộ bà Harris (47,9%) không quá chênh lệch với tỷ lệ phản đối (48,3%), dù con số này vẫn nhỉnh hơn ông Trump (44%).

Đáng chú ý, kết quả thăm dò của báo New York Times và trường Cao đẳng Siena đều cho thấy cả 2 ứng viên có tỷ lệ ủng hộ/phản đối tương đương nhau (46%/51% đối với Harris và 46%/52% đối với ông Trump), dù hầu hết các dữ liệu nổi bật khác cho thấy phó tổng thống Mỹ có đôi chút lợi thế về tỷ lệ ủng hộ.

Khảo sát của New York Times/Cao đẳng Siena cho thấy ông Trump và bà Harris có tỷ lệ ủng hộ/phản đối tương đương nhau. Ảnh: AP
Khảo sát của New York Times/Cao đẳng Siena cho thấy ông Trump và bà Harris có tỷ lệ ủng hộ/phản đối tương đương nhau. Ảnh: AP

Ngoài ra, trong khi 90% cử tri được thăm dò biết rõ về cựu tổng thống của đảng Cộng hòa, thì chỉ 71% cử tri nói rằng họ biết mọi thứ về phó tổng thống của đảng Dân chủ. Điều đó có nghĩa là số phiếu của bà Harris tăng hoặc giảm tùy thuộc sự thể hiện của bà trong cuộc tranh luận sắp tới, trong khi con số này đối với ông Trump ít có sự thay đổi.

Số phiếu bầu từ bên thứ ba

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 từng được kỳ vọng sẽ đạt mức kỷ lục về số phiếu bầu từ “bên thứ ba”. Tuy nhiên, sự rút lui của ứng viên độc lập Robert Kennedy Jr. khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng khiến mức độ quan tâm của cử tri đối với các ứng viên không phải từ 2 chính đảng lớn nhất nước Mỹ giảm mạnh.

Theo kết quả thăm dò của New York Times/Cao đẳng Siena, sự ủng hộ dành cho ứng cử viên Chase Oliver của đảng Tự do chỉ là 2% và ứng viên Jill Stein của đảng Xanh chỉ là 1%. Trong khi đó, dưới 1% cử tri lựa chọn các ứng viên độc lập khác như ông Kennedy Jr. và nhà triết học Cornel West.

Sự rút lui của ông Robert Kennedy Jr. khiến mức độ quan tâm của cử tri đối với các ứng viên bên thứ 3 giảm mạnh. Ảnh: AP
Sự rút lui của ông Robert Kennedy Jr. khiến mức độ quan tâm của cử tri đối với các ứng viên bên thứ 3 giảm mạnh. Ảnh: AP

Cháu trai cố Tổng thống John F. Kennedy từng có thời điểm tiệm cận tỷ lệ ủng hộ 15% từ cử tri – điều kiện cần để dự buổi tranh luận giữa các ứng viên tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, ông không đáp ứng được tiêu chí tiếp cận lá phiếu để tham gia buổi tranh luận vừa qua giữa cựu Tổng thống Trump và đương kim Tổng thống Joe Biden.    

Sự hứng thú của cử tri

Giống các cuộc thăm dò cấp tiểu bang hồi tháng trước, đảng Dân chủ đã bắt kịp đảng Cộng hòa về mức độ nhiệt tình của cử tri sau khi tụt hậu khá nhiều lúc Tổng thống Biden còn là ứng viên.

Cả ông Trump và bà Harris đều đang rất “cân tài cân sức”, khi cùng đạt 63% tỷ lệ cử tri được mô tả là "rất hào hứng" với việc bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tháng 11 tới theo thăm dò của báo The Times.

Các số liệu thăm dò khác của tờ báo này cũng có tỷ lệ ngang ngửa nhau. 63% cử tri đảng Dân chủ có khả năng bầu cử cho biết họ "gần như chắc chắn" sẽ bỏ phiếu, so với 61% cử tri của đảng Cộng hòa. Trong đó, 62% cử tri ủng hộ bà Harris và 58% cử tri ủng hộ ông Trump cho biết họ "gần như chắc chắn" sẽ bỏ phiếu.

Khả năng xử lý kinh tế

Nhận thức về nền kinh tế là một trong những vấn đề cử tri Mỹ quan tâm nhất và cũng được xem là lợi thế lâu dài của cựu Tổng thống Trump.

Khả năng xử lý các vấn đề kinh tế vẫn là lợi thế của ông Trump. Ảnh: AP
Khả năng xử lý các vấn đề kinh tế vẫn là lợi thế của ông Trump. Ảnh: AP

Phần lớn cử tri đảng Dân chủ không tin rằng bà Harris sẽ vượt trội ông Trump về năng lực điều hành kinh tế, nhưng họ vẫn kỳ vọng phó tổng thống Mỹ có thể thu hẹp khoảng cách mà cựu tổng thống của đảg Cộng hòa tạo ra đối với đương kim Tổng thống Joe Biden ở thời điểm trước tháng 7.

Trong cuộc thăm dò ​​cử tri năm 2020, hai ông Biden và Trump đều được đành giá ngang nhau về khả năng xử lý các vấn đề kinh tế (49%). Tuy nhiên, cuộc thăm dò mới đây với cùng chủ đề của New York Times/Cao đẳng Siena lại cho thấy ông Trump dẫn trước đổi thủ tới 13 điểm (55% so với 42%). Đối với bà Harris, việc đưa khoảng cách đó xuống một con số sẽ là mục tiêu chính từ giờ cho đến ngày bầu cử.

Hướng đi mới cho nước Mỹ

Người Mỹ vẫn cảm thấy bất ổn về tương lai của đất nước, và Phó tổng thống Harris đang cố gắng nắm lợi thế từ tâm lý này.

Theo thăm dò của New York Times/Cao đẳng Siena, phần lớn cử tri của bà Harris (56%), cho rằng nước Mỹ đang đi đúng hướng. Chỉ hơn 1/4 cử tri của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ (28%) đồng ý rằng đất nước của họ đang đi chệch hướng, so với 89% đối với các cử tri ủng hộ cựu Tổng thống Trump.

Bà Harris cố gắng truyền đạt bố sứ mệnh "thay đổi" nước Mỹ đến các cử tri. Ảnh: AP
Bà Harris cố gắng truyền đạt bố sứ mệnh "thay đổi" nước Mỹ đến các cử tri. Ảnh: AP

Đó là một trong những lý do tại sao phó tổng thống 59 tuổi đang cố gắng truyền đạt sứ mệnh "thay đổi" đến các cử tri. Điều này được chiến dịch tranh cử của bà hưởng ứng bằng việc công bố chủ đề mang tên “Hướng đi mới về phía trước” (A New Way Forward) trong các cuộc vận động cử tri trên khắp nước Mỹ.

Dù vậy, sứ mệnh thay đổi này không hề dễ dàng. Chỉ 40% cử tri được New York Times/Cao đẳng Siena khảo sát nhận định bà Harris đại diện cho sự thay đổi "lớn" hoặc "nhỏ", so với 61% có nhận xét tương tự với ông Trump.