Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kết quả từ chuyến thăm Việt Nam của loạt "gã khổng lồ" Mỹ

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các doanh nghiệp Mỹ kỳ vọng rằng mối quan hệ tiến triển giữa Washington - Hà Nội, cùng mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam về nền kinh tế kỹ thuật số, sẽ tạo ra cơ hội trong nhiều ngành công nghiệp.

Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN và các doanh nghiệp Mỹ tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nguồn: VOV
Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN và các doanh nghiệp Mỹ tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nguồn: VOV

Thông tin trên được Nikkei Asia trích dẫn từ thông điệp của ông Ted Osius - Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC), người vừa dẫn đầu một phái đoàn thương mại đến Hà Nội, bao gồm các đại diện từ Netflix, Meta (Facebook), SpaceX và Lockheed Martin.

Việt Nam đã đặt mục tiêu chuyển đổi số sẽ chiếm 20% nền kinh tế vào năm 2025, nhưng đồng thời cũng yêu cầu các công ty công nghệ phải lưu trữ dữ liệu cục bộ và chặn các nội dung xuyên tạc trên nền tảng của mình. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Osius nói rằng các quan chức nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài đã lắng nghe và trao đổi các mối quan tâm của nhau một cách "rất thực tế".

"Các công ty đang thích nghi với thực tế mới là chính phủ các nước sở tại muốn có tiếng nói trong cách doanh nghiệp vận hành" - ông Osius, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, cho biết, nói thêm rằng tranh cãi pháp lý liên quan đến nền tảng internet cũng đang tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, không riêng gì Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc điện đàm vào ngày 29/3 vừa qua. Hai nhà lãnh đạo cũng gửi lời mời thăm viếng lẫn nhau. Theo ông Osius, nếu có thể, chuyến thăm của lãnh đạo cao cấp sẽ giúp gia tăng quan hệ thương mại, kỹ thuật số, năng lượng, y tế và quốc phòng hơn giữa hai nước.

Nikkei nhận định, rất ít quốc gia đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong quan hệ như Việt Nam và Mỹ vốn từng có chiến tranh trong quá khứ. Thương mại được tin là động lực chính giúp mối quan hệ hai nước được cải thiện, với việc Mỹ ngày càng phụ thuộc vào Việt Nam về chất bán dẫn và hàng may mặc, trong khi đẩy mạnh xuất khẩu nông nghiệp, quảng cáo YouTube cũng như nhiều hàng hóa và dịch vụ khác sang quốc gia Đông Nam Á.

"Đã có thêm hợp tác (trong các lĩnh vực mới) vốn không có cơ hội trong quá khứ, như hàng không vũ trụ, quốc phòng và an ninh" - ông Osius nói với Nikkei sau khi trở về Washington từ chuyến thăm Việt Nam vào tháng trước. Ông tiết lộ, cả Boeing, Lockheed và Raytheon đều đã chốt được đơn hàng cho Việt Nam.

Boeing nói với Nikkei rằng họ đã thảo luận với các quan chức về một "mối quan hệ đối tác đang phát triển" từ quốc phòng, hàng không đến sản xuất. 

Người phát ngôn của Boeing cho biết: "Boeing đang đẩy mạnh hoạt động tại Việt Nam bằng cách đầu tư vào xây dựng năng lực địa phương, và hợp tác với các tổ chức Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất, cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật, an toàn hàng không, tăng trưởng bền vững, nghiên cứu và công nghệ, đào tạo và phát triển kỹ năng”.

Khi được hỏi về việc SpaceX đang tìm hiểu thị trường Việt Nam, ông Osius cho biết SpaceX rất quan tâm lĩnh vực viễn thông. Theo Nikkei, trong số 52 doanh nghiệp tham gia chuyến công tác của USABC còn có những "gã khổng lồ" khác như Pfizer, Pepsi, Visa, Apple và Amazon Web Services (AWS).

Giám đốc điều hành Apple Tim Cook, người đã tiếp đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tại văn phòng của ông ở California vào tháng 5/2022, cho biết nhà sản xuất iPhone đạt doanh số bán hàng kỷ lục tại Việt Nam vào năm ngoái. Việt Nam là quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc sản xuất MacBook, bên cạnh các thiết bị Apple khác đã được sản xuất tại đây.

Trong khi Facebook và Google từ lâu đã phổ biến ở Việt Nam, ông Osius cũng đặc biệt chú ý đến sự tăng trưởng các dịch vụ mới hơn ở đây, như lĩnh vực của Netflix. Vị cựu đại sứ cũng khẳng định Chính phủ Việt Nam đang tạo điều kiện để thu hút các công ty công nghệ.

Doanh nghiệp Mỹ cũng nhận thấy Việt Nam đang nới lỏng một số quy định trong lĩnh vực công nghệ. Ví dụ, thay vì yêu cầu tất cả các công ty lưu trữ dữ liệu trong nước, "Việt Nam có thể sẽ chỉ yêu cầu những công ty chấp hành lệnh gỡ bỏ các nội dung sai lệnh" - luật sư Trần Mạnh Hùng của Baker McKenzie nói với Nikkei.

Một báo cáo của Google, Bain và Temasek ước tính nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam ở mức 23 tỷ USD vào năm 2022, tương đương 5,6% tổng sản phẩm quốc nội. Ông Osius kỳ vọng về việc mở rộng không gian đối thoại về các nguyên tắc riêng giữa doanh nghiệp nước ngoài và Chính phủ Việt Nam để khai thác tốt thị trường tiềm năng, thay vì đứng ngoài cuộc vì một số bất đồng chính sách còn tồn tại.