Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không chấp nhận một thỏa thuận hòa bình do tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thúc đẩy, vì tổng thống Nga "ám ảnh" với việc "đè bẹp" Ukraine và phơi bày sự yếu kém của phương Tây, cựu bộ trưởng ngoại giao Ukraine hôm 28/11 cảnh báo.
Ông Dmytro Kuleba đã từ chức hồi tháng 9, cảnh báo rằng thay vào đó, ông Trump có nguy cơ làm sụp đổ các tuyến đầu của Ukraine nếu chính quyền của ông quyết định cắt viện trợ quân sự cho Kiev.
Cựu Ngoại trưởng Ukraine khẳng định với Politico: "Ukraine là nỗi ám ảnh cá nhân của ông Putin, nhưng việc "đè bẹp" Ukraine cũng là một phương tiện để đạt được mục tiêu lớn của ông - cho thế giới thấy phương Tây không có khả năng tự vệ hoặc không đại diện cho điều gì".
Thông tin này xuất hiện trong bối cảnh các quan chức Ukraine cho biết một tên lửa đạn đạo thử nghiệm mới do Nga sử dụng tấn công Dnipro vào tuần trước mang theo nhiều đầu đạn giả không kèm thuốc nổ. Ông chủ Điện Kremlin khẳng định cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik là một cuộc thử nghiệm thành công và tuyên bố đã đạt được mục tiêu - một cơ sở tên lửa và phòng thủ.
Trong diễn biến liên quan, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald J. Trump hôm 27/11 cho biết, đặc phái viên tới Nga và Ukraine mà ông chọn là Keith Kellogg, một vị trung tướng nghỉ hưu, từng là cố vấn an ninh quốc gia cho Phó Tổng thống Mike Pence trong chính quyền Trump đầu tiên. Vị trí này có thể đóng vai trò quan trọng nhằm hiện thực hóa cam kết của ông Trump nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine.
Tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông sẵn sàng tham gia đàm phán.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng có vẻ cởi mở hơn với các cuộc đàm phán. Tuần trước, ông cho biết Ukraine phải làm mọi cách có thể để chấm dứt xung đột vào năm tới thông qua ngoại giao.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng một thỏa thuận có thể trở nên mong manh trừ khi ông Trump ủng hộ bằng các đảm bảo về an ninh cho Ukraine.
Các chi tiết về thỏa thuận hòa bình tiềm năng của ông Trump ở Ukraine vẫn chưa rõ ràng, nhưng có vẻ sẽ không bao gồm sự ủng hộ cho việc Ukraine gia nhập liên minh NATO có thể đảm bảo tốt nhất cho an ninh của nước này.
Ông Putin đã nói rằng như một điều kiện của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào, Ukraine phải đồng ý giữ thái độ trung lập.
Cùng với đó, những bình luận trước cuộc bầu cử của JD Vance, ứng cử viên phó tổng thống của ông Trump, cho thấy Tổng thống đắc cử Mỹ có thể nhất trí với yêu cầu này. Theo đó, "phó tướng" Vance nhận định rằng Nga sẽ nhận được "sự đảm bảo trung lập" từ Ukraine như một phần của thỏa thuận tiềm năng.
Kế hoạch này có vẻ như khéo léo né tránh vấn đề mà một số tuyên bố nằm sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine: Ngăn chặn sự mở rộng về phía đông của NATO.