Khắc phục điểm nghẽn trong hoạt động của các bệnh viện công: Giải pháp nào?

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện nay cần triển khai các giải pháp để khắc phục các điểm nghẽn trong hoạt động của các bệnh viện công.

Chiều 28/10, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách Nhà nước năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023.

Nhà nước phải khẳng định trách nhiệm đầu tư cho các bệnh viện

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, hiện nay cần triển khai các giải pháp để khắc phục các điểm nghẽn trong hoạt động của các bệnh viện công. Theo đại biểu, các bệnh viện hoạt động trong điều kiện cơ chế thị trường nhưng có nhiều quyết định hiện nay không phù hợp với thực tế và trái cơ chế thị trường.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện nay cần triển khai các giải pháp để khắc phục các điểm nghẽn trong hoạt động của các bệnh viện công
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện nay cần triển khai các giải pháp để khắc phục các điểm nghẽn trong hoạt động của các bệnh viện công

“Hiện nay đã có Nghị định 85 năm 2012 xác định từ năm 2018 trở đi, giá dịch vụ phải phản ánh đầy đủ 7 loại chi phí nhưng đến nay vẫn chỉ có 4 loại, còn 3 loại chi phí chưa có. Do đó, đề nghị khẩn trương bổ sung hoặc giao cho cơ sở xây dựng đủ 7 loại chi phí này” – đại biểu nêu ví dụ.

Liên quan về đấu thầu, đại biểu cho biết, tại Thông tư 15 năm 2019 quy định giá đấu được của năm nay không cao hơn giá đấu thầu của năm ngoái, quy định này rất phi thị trường. Lý giải về quan điểm trên, đại biểu cho biết, giá phụ thuộc vào thị trường, giá vật tư tăng thì các yếu tố khác cũng tăng. Do đó, đề nghị quy định giá đấu thấu thời điểm nào là do thị trường thời điểm đó quyết định.

Mặt khác, đại biểu cho rằng Nhà nước phải khẳng định trách nhiệm của mình đầu tư cho các bệnh viện. Theo đại biểu, hầu hết các bệnh viện tham gia tự chủ là tự chủ chi phí thường xuyên chứ không phải tự chủ chi phí đầu tư.

“Tuy nhiên, đến nay hầu như không bố trí ngân sách cho các bệnh viện tự chủ chi thường xuyên có kinh phí đầu tư, không có kinh phí đầu tư không mua được máy móc thiết bị mới cho nên buộc phải thuê máy, đặt máy để làm dịch vụ. Do đó đề nghị cho các bệnh viện tiếp tục được thuê máy, đặt máy đến khi có kinh phí đầu tư để việc hoạt động không bị gián đoạn” – đại biểu đề nghị.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến (Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tại hội trường
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến (Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tại hội trường

Tháo gỡ khó khăn của ngành y

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến (Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ với những khó khăn hiện nay của ngành y tế. Đồng thời kiến nghị Quốc hội đưa nội dung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị, nguồn nhân lực y tế và xem đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, cấp thiết, đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 4.

Cùng với đó, giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ quyết định cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết những khó khăn từ thực tiễn nêu trên. Bởi vì hiện tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Đấu thầu; Luật Giá (sửa đổi) và các luật liên quan đang trong tiến trình sửa đổi, bổ sung nên khi được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ năm 2024, không kịp thời gian giải quyết, tháo gỡ tình trạng cấp bách hiện nay khi các luật sửa đổi chưa được thông qua và có hiệu lực.