Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khách Ấn Độ, “mỏ vàng” cho du lịch Việt Nam

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, Việt Nam trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách Ấn Độ. Để thu hút luồng khách Ấn Độ, các doanh nghiệp phải nắm bắt nhu cầu du khách để khai thác tốt hơn thị trường này.

Một trong mười thị trường chủ lực

Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia cho thấy, những năm gần đây Ấn Độ đã trở thành 1 trong 10 thị trường chủ lực của du lịch Việt Nam khi lượng khách tăng trường mạnh mẽ.

Trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng khách Ấn Độ đến Việt Nam khá cao, nếu như năm 2015 Việt Nam đón 65.600 khách nhưng 2023 số lượng khách Ấn Độ chọn Việt Nam là điểm đến đã đạt hơn 392.000 lượt. Riêng 7 tháng năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đã đón được 272.000 lượt khách Ân Độ, xếp thứ 8/10 thị trường khách quốc tế đến Việt Nam.

Khách Ấn Độ trong lễ cưới diễn ra tại khu nghỉ dưỡng 5 sao Vinpearl Hạ Long. Ảnh: Hoài Nam
Khách Ấn Độ trong lễ cưới diễn ra tại khu nghỉ dưỡng 5 sao Vinpearl Hạ Long. Ảnh: Hoài Nam

Tổng Giám đốc Sun World (Tập đoàn Sun Group) Thái Phương Hòa cho biết, những năm qua lượng khách Ấn Độ đến các công viên thuộc tập đoàn Sun World có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ. “Nếu như năm 2019, lượng khách chỉ đạt 50.000 lượt thì năm 2023 đã tăng gấp 4 lần và dự kiến năm 2024 sẽ tăng gấp đôi năm 2023. Hiện các khu nghỉ dưỡng của Sun Group ở Phú Quốc, Đà Nẵng đang là lựa chọn hàng đầu của nhiều khách hàng Ấn Độ tổ chức đám cưới”- bà Phương Hòa chia sẻ.

Tương tự, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết, từ khi mở các đường bay thẳng từ Hà Nội, TP Hố Hồ Chí Minh đến Mumbai (Ấn Độ), Vietnam Airlines đã vận chuyển hơn 240.000 lượt khách Ấn Độ. “Hệ số sử dụng ghế luôn ở mức gần 80% trong năm 2024, điều này chứng tỏ nhu cầu đi lại ngày càng lớn của du khách và doanh nhân giữa hai nước” - ông Hà thông tin.

Nhằm tạo cầu nối khai thác hiệu quả hơn thị trường đông dân nhất thế giới tháng 5/2024, Vietnam Airlines đã cùng Vietravel, Vingroup, Sun Group khai trương Trung tâm Thông tin du lịch Việt Nam tại Ấn Độ.

Hàng không giá rẻ Vietjet chào đón du khách Ấn Độ đến Việt Nam . Ảnh: Hoài Nam
Hàng không giá rẻ Vietjet chào đón du khách Ấn Độ đến Việt Nam . Ảnh: Hoài Nam

Lý giải nguyên nhân khiến Việt Nam đang trở thành điểm đến của du khách Ấn Độ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn nêu rõ, du khách Ấn Độ ngày càng thích đến Việt Nam vì môi trường du lịch an toàn, phong cảnh đẹp, nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú, con người thân thiện, món ăn hấp dẫn… Bên cạnh đó, khoảng cách giữa Việt Nam và Ấn Độ không quá xa chỉ mất 4-5 giờ cho hành trình bay đến Việt Nam và có thêm nhiều đường bay thẳng kết nối hai quốc gia rất thuận tiện cho di chuyển.

Thêm nữa, Việt Nam lại có giá thành dịch vụ cạnh tranh, rẻ hơn 10 - 15% so với các nước trong khu vực; đây là “điểm cộng” trong lựa chọn của du khách Ấn. “Đây là một trong những lý do khiến nhiều người Ấn Độ ngoài du lịch, không ngại chi tiền bao trọn khách sạn 5 sao ở thành phố biển của Việt Nam như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc để tổ chức đám cưới...”- ông Tuấn nhận định.

Xây dựng sản phẩm phù hợp

Mặc dù Ấn Độ là “mỏ vàng” cho du lịch Việt Nam, nhưng theo các chuyên gia du lịch, để có thể khai thác được thị  trường này đòi hỏi doanh nghiệp xây dựng sản phẩm phù hợp.

Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Nguyễn Quang Vinh, du khách Ấn thường đi du lịch theo gia đình hoặc nhóm bạn bè, ít khi đi du lịch một mình. Đồng thời yêu thích mua sắm, tham gia các hoạt động ngoài trời, tham quan các bảo tàng, di tích văn hóa, lịch sử, đồng thời khách Ấn còn thích ăn uống, dự tiệc. Vì vậy, các doanh nghiệp lữ hành cần xây dựng sản phẩm phù hợp với từng nhóm khách Ấn Độ như khách đi tour trọn gói theo nhóm, gia đình giàu có sử dụng tour cao cấo… qua đó đảm bảo cung ứng dịch vụ tốt nhất.

Du khách Ấn Độ tham quan Chùa Cầu (Hội An). Ảnh: Hoài Nam
Du khách Ấn Độ tham quan Chùa Cầu (Hội An). Ảnh: Hoài Nam

Tương tự, Chủ tịch LuxGroup Phạm Hà cho rằng, Ấn Độ là thị trường còn nhiều tiềm năng nhưng cũng khó tính và có đặc thù riêng, nhất là về ẩm thực, thói quen sinh hoạt. Đơn cử, người Ấn thường ăn chay, kiêng sử dụng thịt bò, thích ăn gia vị cay nồng. Ở Việt Nam có lợi thế nguồn rau củ quả phong phú, thịt lợn, gia cầm cũng đa dạng có thể bổ sung vào thực đơn của du khách Ấn Độ. “Tuy vậy, hiện số lượng đầu bếp chuyên nấu món Ấn không nhiều vì vậy cơ quan quản lý cần đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phục vụ khách Ấn Độ cho các đơn vị khai thác thị trường này”- ông Hà kiến nghị.

Nhiều ý kiến cho rằng, để thu hút khách Ấn Độ đến Việt Nam đòi hỏi ngành du lịch cần hoàn thiện hệ sinh thái đạt chuẩn để phục vụ du khách Ấn Độ.

Về vấn đề này Trưởng khoa Du lịch học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) Tiến sĩ Phạm Hồng Long nêu quan điểm, cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ du lịch Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của du khách Ấn Độ. Tuy nhiên, hiện nay chi phí dịch vụ du lịch của Việt Nam còn khá cao nếu so với các quốc gia trong cùng khu vực như Thái Lan, Myanmar… làm giảm sức cạnh tranh.

Du khách Ấn Độ đến TP Hồ Chí Minh tham quan sau khi Vietjet mở đường bay thẳng Việt Nam-Kochi (Ấn Độ). Ảnh: Hoài Nam
Du khách Ấn Độ đến TP Hồ Chí Minh tham quan sau khi Vietjet mở đường bay thẳng Việt Nam-Kochi (Ấn Độ). Ảnh: Hoài Nam

“Do đó, ngành du lịch không những cần phải nhanh chóng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên giỏi ngôn ngữ và am hiểu văn hoá Ấn Độ, phát triển các chuỗi nhà hàng phục vụ ẩm thực Ấn Độ. Ngoài ra, cần có các chính sách trợ giá thiết thực dành cho du khách Ấn Độ (giảm giá dịch vụ khách sạn, vé tham quan) nhằm tăng sức hấp dẫn đối với du khách của thị trường tỷ dân này” - ông Long đề xuất.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Tiếp thị - Công nghệ Thông tin BenThanh Tourist Trần Phương Linh cho rằng, để khai thác hiệu quả dòng khách Ấn Độ, Chính phủ nghiên cứu xem xét chính sách hỗ trợ visa ngắn hạn cho khách Ấn Độ qua đó nhằm tạo cú hích đột phá cho sự tăng trưởng của thị trường này. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực. Các địa phương và điểm đến cần chủ động đầu tư hạ tầng phục vụ riêng cho nhu cầu tín ngưỡng cho khách Ấn Độ.

Còn Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội Lê Bá Dũng cho rằng, các đơn vị lữ hành cần phối hợp với đối tác Ấn Độ làm rõ các yêu cầu của khách với chi phí cụ thể để sẵn sàng phục vụ nếu khách có nhu cầu. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước phối hợp với du lịch Ấn Độ trong hợp tác, chuyển giao công nghệ chế biến thực phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống của người theo đạo Hindu và Hồi giáo. Tăng cường hợp tác song phương các lĩnh vực du lịch, thương mại, hàng không… tạo cơ sở thu hút mạnh mẽ du khách Ấn Độ với các dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp.