Khẳng định quan hệ đồng minh kiểu mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đến Nga dự Lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông Sochi 2014 của nước chủ nhà. Và cuộc gặp thứ 5 với Tổng thống Nga Vladmir Putin kể từ khi ông Abe nhậm chức Thủ tướng Nhật cách đây 13 tháng cho thấy vị trí ưu tiên của Moscow trong chiến lược ngoại giao của Tokyo.

Tổng thống Nga V.Putin và Thủ tướng Nhật Bản S.Abe tại Hội nghị G20 diễn ra tại Nga năm 2013.
Tổng thống Nga V.Putin và Thủ tướng Nhật Bản S.Abe tại Hội nghị G20 diễn ra tại Nga năm 2013.

Trong lịch sử, dù Nga - Nhật đã trải qua gần 7 thập kỷ tranh chấp lãnh thổ, nhưng trái ngược với mối quan hệ ngày càng xấu đi với Trung Quốc và Hàn Quốc liên quan đến các đảo tranh chấp, quan hệ Tokyo - Moscow luôn được giữ ổn định. Tuy nhiên, chuyến đi tới Nga của ông Abe diễn ra trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ của hai nước vẫn đang tồn tại đã khiến không ít người dân Nhật Bản nổi giận. Chỉ vài giờ trước chuyến đi của ông Abe, một cuộc biểu tình rầm rộ tại Nhật Bản đã diễn ra, những người biểu tình đòi ông Abe gây áp lực với Nga để trả lại những hòn đảo mà phía Tokyo cho rằng, Moscow đã chiếm của nước này sau Thế chiến II. Trước đó, sự kiện 2 máy bay chiến đấu của Nga xuất hiện tại khu vực tranh chấp và phía Nhật Bản điều máy bay đến ngăn chặn đã khiến mối quan hệ Nhật - Nga trong năm 2013 nổi sóng. Tuy nhiên, Thủ tướng Abe và Tổng thống Putin đã có những động thái tích cực và khôn ngoan để không đẩy căng thẳng giữa hai nước leo thang.

Chính những diễn biến trên khiến các chuyên gia nhận định, chuyến đi tới Nga lần này của ông Abe không chỉ để dự Lễ khai mạc Olympic Sochi. Sâu sa hơn, chuyến thăm là thông điệp khẳng định quan hệ đồng minh chiến lược mới giữa Nga - Nhật. Với Nhật Bản, chuyến thăm của ông Abe có thể thuyết phục Moscow xếp Tokyo là khách hàng ưu tiên trên thị trường khí đốt, góp phần giải bài toán thiếu thốn năng lượng mà nước này đang phải đối mặt. Với Nga, sự xuất hiện của ông Abe - một nhà lãnh đạo thuộc nhóm G7 tại Lễ khai mạc Olympic Sochi góp phần khẳng định vị thế của Nga trên trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Đức Joachim Gauck và Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định không tham dự Lễ khai mạc Thế vận hội. 
Rõ ràng, vượt qua những bất đồng, nghi kỵ trong quá khứ, Nga - Nhật đã viết nên những dòng đầu tiên trong mối quan hệ đồng minh kiểu mới theo hướng đôi bên cùng có lợi, góp phần để Tokyo và Moscow củng cố sức mạnh quốc gia, lấy lại vị thế cường quốc một thời.

 
 23 giờ ngày 7/2 (theo giờ Việt Nam), Olympic mùa đông 2014 tại TP Sochi, Nga đã chính thức khai mạc với sự tham dự của gần 40 nguyên thủ, lãnh đạo các quốc gia và 40.000 khán giả. Theo ước tính sơ bộ, tổng chi phí dành cho Olympic Sochi đã lên tới 51 tỷ USD và trở thành Thế vận hội đắt nhất trong lịch sử.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần