70 năm giải phóng Thủ đô

Khánh Hòa lên kế hoạch khởi công 6 dự án giao thông trọng điểm

Trung Nhân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Khánh Hòa đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để khởi công 6 dự án giao thông trọng điểm với tổng vốn đầu tư hơn 8.600 tỷ đồng trong giai đoạn 2023 – 2025.

Ngày 2/11, theo thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân đã ký ban hành kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trọng điểm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 -2025.

Đáng chú ý là 6 dự án giao thông có tổng vốn đầu tư hơn 8.600 tỷ đồng được kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và tăng liên kết vùng.

Khánh Hòa lên kế hoạch khởi công 6 dự án giao thông trọng điểm giai đoạn 2023 - 2025. Ảnh: Trung Nhân.
Khánh Hòa lên kế hoạch khởi công 6 dự án giao thông trọng điểm giai đoạn 2023 - 2025. Ảnh: Trung Nhân.

Cụ thể, dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT. 656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận đã được phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 6/2023 với tổng mức đầu tư khoảng 1.930 tỷ đồng. Dự án dự kiến sẽ được phê duyệt dự án đầu tư vào tháng 12/2023 và khởi công vào tháng 5/2024.

Tuyến đường nói trên được thực hiện trên địa bàn huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa với quy mô đầu tư khoảng 56,9 km đường cấp III miền núi, tốc độ thiết kế là 60 km/h.

Đoạn qua địa hình khó khăn, hiểm trở, độ dốc cao, gấp khúc, tốc độ thiết kế là 40 km/h; hai làn xe, tổng chiều rộng nền 9 m, mặt đường rộng 6 m, lề đường 2 bên 3 m (gia cố lề mỗi bên 1 m).

Cùng với dự án nói trên là dự án đường giao thông liên vùng huyện Diên Khánh tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng cũng được dự kiến khởi công vào tháng 5/2024.

Đây là công trình cấp II, đường phố chính đô thị cấp 60, vận tốc thiết kế 60 km/h. Tổng chiều dài tuyến khoảng 19,15 km (1,05 km thuộc địa TP Nha Trang và 18,10 km thuộc địa phận huyện Diên Khánh).

Điểm đầu của tuyến đường giao với đường Nguyễn Lương Bằng (trùng đường quy hoạch rộng 30m nối đến đường Mai Xuân Thưởng, thuộc đồ án quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040 đang trình phê duyệt), cách phía Bắc cầu Vĩnh Phương 1.060 m thuộc xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang. Điểm cuối nối vào Hương lộ 62 (ĐT.654C) thuộc xã Diên Tân, huyện Diên Khánh.

Khánh Hòa sẽ có đường 740 tỷ đồng từ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đến cảng Nam Vân Phong. Ảnh: Trung Nhân.
Khánh Hòa sẽ có đường 740 tỷ đồng từ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đến cảng Nam Vân Phong. Ảnh: Trung Nhân.

Hai dự án giao thông dự kiến sẽ được phê duyệt đầu tư vào quý II/2024 là dự án đầu tư nâng cấp Quốc lộ 26B, tỉnh Khánh Hòa để kết nối cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đến cảng Nam Vân Phong (740 tỷ đồng) và dự án nâng cấp và làm mới tỉnh lộ 6 – ĐT 651 (đoạn 2) với vốn đầu tư dự kiến hơn 875 tỷ đồng.

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết, sẽ đầu tư dự án đường ven biển từ xã Vạn Lượng, huyện Vạn Ninh đến thị xã Ninh Hòa với tổng vốn đầu tư 2.166 tỷ đồng. Dự án sẽ trình HĐND tỉnh phê duyệt sau khi có văn bản thông báo nguồn vốn của Trung ương (khoảng 600 tỷ đồng). Dự án cũng được lên kết hoạch để hoàn thành vào tháng 11/2027.

Cuối cùng là dự án đường D25 và kênh thoát lũ Vĩnh Trung có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Dự án sẽ trình thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư sau khi đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040 và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Diên Khánh đến năm 2040 được phê duyệt.

Theo kế hoạch nói trên, các mốc thời gian được xác định cụ thể để lập các bước như báo cáo nghiên cứu tiền khả thi/báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; lập báo cáo nghiên cứu khả thi; lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện các dự án thành phần bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây lắp…; thời gian khởi công và hoàn thành dự án.

Khánh Hòa đang hoàn thiện hệ thống giao thông để lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Ảnh: Trung Nhân.
Khánh Hòa đang hoàn thiện hệ thống giao thông để lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Ảnh: Trung Nhân.

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu các đơn vị liên quan lập báo cáo đề xuất chủ đầu tư/báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án phải căn cứ các quy định về quy hoạch, thủ tục đất đai, phù hợp với tiêu chuẩn, định mức theo quy định hiện hành.

Đồng thời, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, nguồn vốn từ nguồn thu sử dụng đất cấp tỉnh quản lý bổ sung giai đoạn 2023-2025 và các nguồn vốn theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội để thực hiện các dự án đầu tư công trong điểm, cơ chế đặc thù giao cơ quan chủ quản, cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư để đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật.