Khánh Hòa: Người dân xóm cồn TP Nha Trang mong được làm kè, làm đường

Trung Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khu dân cư Cồn Nhất Trí có diện tích khoảng 21,2ha kết nối với TP Nha Trang qua 2 cây cầu Hà Ra và Xóm Bóng. Do nằm ngay cửa sông Cái nên khu vực này luôn bị nước biển xâm thực và chịu tác động của sóng biển vào mùa mưa, bão…

"Ma trận" đường rộng 1m

Khu dân cư (KDC) Cồn Nhất Trí hình thành từ một xóm chài của ngư dân sinh sống nhiều đời bên cửa sông Cái và bờ biển Nha Trang. Cồn Nhất Trí rộng khoảng 21,2ha thuộc phường Vĩnh Phước, cách trung tâm TP Nha Trang khoảng 2km.

KDC Cồn Nhất Trí nằm ngay cửa sông Cái Nha Trang. KDC ở đây có sự khác biệt lớn về hạ tầng so với các khu vực xung quanh. Ảnh: Trung Vũ.
KDC Cồn Nhất Trí nằm ngay cửa sông Cái Nha Trang. KDC ở đây có sự khác biệt lớn về hạ tầng so với các khu vực xung quanh. Ảnh: Trung Vũ.

Tuy nằm cạnh trung tâm TP Nha Trang và ngay cửa ngõ phía Bắc của TP nhưng khu vực này lại hoàn toàn khác biệt với sự phát triển vượt bậc của hệ thống giao thông, khách sạn, dân cư chỉ cách đó một con sông và cây cầu.

Từ đường 2/4, rẽ qua các hẻm nhỏ dẫn vào bên trong KDC Cồn Nhất Trí là hệ thống “mạng nhện đường rộng 1m” - những con đường nhỏ vừa vặn một chiếc xe máy tham gia giao thông.

“Đường ở đây như ma trận, càng vào sâu và ra tận mép sông đường càng nhỏ, chỉ vừa một xe máy đi. Vì vậy, phải bấm còi liên tục để báo hiệu cho người phía trước chờ sẵn ở ngã ba để tránh nhau. Bí quyết tránh bị lạc là cứ nhìn đường dây điện mà đi, bám theo các bó dây điện lớn sẽ dẫn ra đường 2/4, nếu không chắc chắn sẽ đi vào các ngõ cụt khó quay đầu xe” - Phùng Thanh - một người giao hàng tại khu vực này nhận định.

Bên trong KDC là "ma trận đường 1m" - đường chỉ vừa một chiếc xe máy. Ảnh: Trung Vũ.
Bên trong KDC là "ma trận đường 1m" - đường chỉ vừa một chiếc xe máy. Ảnh: Trung Vũ.

Những người dân ở đây cho biết, đường nhỏ đi lại rất khó khăn, nếu có xe đối đầu thì mất nhiều thời gian để ra phố đi làm. Hơn nữa, đường trong xóm cồn lại thấp hơn đường lớn (đường 2/4) gần 2m. Vậy nên, mỗi khi trời mưa, nước mưa và rác thải từ đường lớn trôi vào KDC. Do đó, tình trạng ô nhiễm, xói mòn kéo dài nhiều năm qua.

Người dân cũng cho biết, vào tháng 1 năm 2017, một vụ cháy lớn đã khiến khoảng 70 ngôi nhà sát với cửa sông Cái bị thiêu rụi. Một trong những nguyên nhân khiến vụ hỏa hoạn gây thiệt hại nặng là do đường quá nhỏ khiến lực lượng PCCC khó tiếp cận hiện trường.

Mong mỏi được mở đường, làm kè

Càng vào sâu bên trong là những căn nhà cấp bốn xuống cấp, khu vực giáp với sông Cái là những căn nhà chồ (nhà xây dựng tạm trên mặt nước) được làm bằng gỗ, xiêu vẹo theo từng con sóng.

Các khu vực quanh Cồn Nhất Trí đã được làm kè kiên cố, tạo cảnh quan đô thị. Ảnh: Trung Vũ.
Các khu vực quanh Cồn Nhất Trí đã được làm kè kiên cố, tạo cảnh quan đô thị. Ảnh: Trung Vũ.

Ông Nguyễn Văn Trung (SN 1964) - nhà cạnh mép sông Cái cho biết, từ ngày lấy vợ ra ở riêng tới nay đã 30 năm, chưa bao giờ tôi mong mỏi Nhà nước xây bờ kè cho cái Cồn này như hiện nay.

Ông Trung kể, mùa mưa bão sóng cao 3 - 5m vỗ vào nhà, nhiều con sóng đánh úp từ trên xuống mái nhà làm hư hỏng đồ đạc và cứ lo nhà sập. “Ngoài sóng biển, hiện tượng xâm thực, ô nhiễm môi trường ngày càng nặng khiến cuộc sống người dân Cồn Nhất Trí vô cùng vất vả. Làm được bao nhiêu tiền cũng chỉ để chắp vá nhà cửa” - ông Nguyễn Văn Trung chia sẻ và mong có bờ kè để cuộc sống ổn định hơn.

“Nếu chính quyền làm kè cho dân, có di dời tái định cư chỗ mới chúng tôi cũng chịu, chứ cuộc sống hiện nay ở Cồn Nhất Trí ngày một khó khăn” - ông Trung nói.

Nhà chị Hậu bị sóng "vồ" làm hư hỏng nặng. Ảnh: Trung Vũ.
Nhà chị Hậu bị sóng "vồ" làm hư hỏng nặng. Ảnh: Trung Vũ.
 

Theo thuyết minh điều chỉnh chung quy hoạch TP Nha Trang đến năm 2040 đã được lấy ý kiến cộng đồng dân cư, khu vực Cồn Nhất Trí định hướng giải tỏa một phần dân cư hiện hữu ven sông, bố trí khu đô thị sinh thái nước - tạo thành một dự án chiến lược, thay đổi cảnh quan khu vực cửa ngõ của sông Cái.

Đồng thời, có 2 giải pháp cho việc tái định cư khu vực này. Đối với các hộ dân tiếp tục nghề đi biển, đánh cá có thể nghiên cứu bố trí tái định cư tại cồn Ngọc Thảo, với diện tích khoảng 46m2/hộ. Ngoài ra, đối với các hộ không còn làm nghề đi biển, đánh cá, nghiên cứu bố trí quỹ đất tái định cư tại khu vực Tây Nha Trang, với diện tích khoảng 70m2/hộ.

Cạnh nhà ông Trung là nhà chị Nguyễn Thị Thanh Hậu (SN 1989) nằm ngay hướng cửa sông Cái. Chị Hậu cho biết, gia đình  dành dụm mua lại được căn nhà của người hàng xóm nên ra ở riêng được 9 năm nhưng cuộc sống của chị chưa ngày nào ổn định. Mỗi năm, gia đình phải dành ra gần 20 triệu đồng để tu sửa nhà cửa do bị sóng đánh, làm hư hỏng.

“Đợt mưa cuối năm 2021 sóng đánh cao, úp từ mái nhà đánh xuống làm nhà xiêu vẹo. Các vách ván và tôn đều hư hỏng nên tôi ôm con đi ở nhờ trong đêm. Giờ muốn sửa lại cũng tốn khoảng 40 triệu đồng nhưng gia đình không có số tiền lớn nên bỏ nhà trống từ đó đến giờ” - chị Hậu kể.

Người dân sống ở cửa sông Cái, ngay khu vực bị cháy hồi năm 2017 cho biết, những năm gần đây vào mùa mưa bão sóng biển ngày một cao và hiện tượng xâm thực ngày càng phức tạp. Để tránh bị sóng cuốn trôi, cứ mỗi lần nước rút, họ lại xuống sông xúc cát vào bao tải để gia cố phía trước nhà. Một số hộ cạnh đó, cuộc sống khá hơn thì làm kè xi măng để bảo vệ nhà cửa khỏi sóng nước.

Người dân thường xuyên xúc cát, chằn chóng làm kè tạm bợ để tránh bị sóng đánh. Ảnh: Trung Vũ.
Người dân thường xuyên xúc cát, chằn chóng làm kè tạm bợ để tránh bị sóng đánh. Ảnh: Trung Vũ.

Liên quan đến KDC Cồn Nhất Trí, ông Ngũ Quốc Việt - Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước cho biết, hiện khu vực này có trên 1.200 hộ. Nơi đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án chỉnh trang nhưng nhà đầu tư đã rút, nên hiện các hộ dân có đủ điều kiện pháp lý để mua bán, chuyển nhượng và xây dựng, sửa chữa nhà ở.

Ông Việt cũng cho biết, việc thấp trũng hơn đường 2/4 và hệ thống đường trong KDC nhiều đoạn chỉ rộng khoảng 1m cũng gây nhiều bất cập trong sinh hoạt  và môi trường.

“Đối với các hộ ở mép sông, cạnh khu vực bị cháy năm 2017 thì chịu tác động của việc nước biển xâm thực và bị ảnh hưởng của sóng biển trong giai đoạn mùa mưa bão” - ông Việt chia sẻ.

Khu vực 70 hộ dân bị cháy năm 2017 chịu tác động lớn của sóng biển và xâm thực. Ảnh: Trung Vũ.
Khu vực 70 hộ dân bị cháy năm 2017 chịu tác động lớn của sóng biển và xâm thực. Ảnh: Trung Vũ.

Theo lãnh đạo phường Vĩnh Phước, khu vực này cũng được quy hoạch một số đường lớn rộng khoảng 5m và đường 13m cũng như đã có kế hoạch làm bờ kè tuy nhiên việc này chưa thể triển khai ngay vì cần cân đối ngân sách và đất tại định cư đối với các hộ dân bị di dời.

 

Tháng 10/20029, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2604/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 với mục tiêu: Quy hoạch chỉnh trang KDC đô thị để quản lý đất đai và xây dựng theo quy hoạch.

Tuy có vị trí đắc địa nhưng nhiều doanh nghiệp không "giải" được bài toán tái định cho hơn 1.200 hộ dân Cồn Nhất Trí nên các dự án tại khu vực này vẫn chưa được triển khai, khiến người dân từng "mắc kẹt" hơn 10 năm vì quy hoạch treo. Ảnh: Trung Vũ.
Tuy có vị trí đắc địa nhưng nhiều doanh nghiệp không "giải" được bài toán tái định cho hơn 1.200 hộ dân Cồn Nhất Trí nên các dự án tại khu vực này vẫn chưa được triển khai, khiến người dân từng "mắc kẹt" hơn 10 năm vì quy hoạch treo. Ảnh: Trung Vũ.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa việc chỉnh trang KDC Cồn Nhất Trí rất cần thiết, nhưng do tình hình nguồn vốn ngân sách tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn lúc bấy giờ đang khó khăn nên UBND tỉnh đã mời gọi đầu tư, huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư để thực hiện chỉnh trang theo đồ án quy hoạch đã được duyệt.

Sau đó, UBND tỉnh đã giao cho Công ty TNHH Đầu tư Phạm Trần lập dự án chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường với mục tiêu đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực; chỉnh trang đô thị; cải tạo và bảo vệ cảnh quan, môi trường.

Dự án đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 37121000630 ngày 29/5/2015 (thay đổi lần thứ nhất ngày 25/6/2015) để thực hiện dự án, với thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư là 24 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án triển khai các thủ tục và tiến độ chậm so với yêu cầu của UBND tỉnh và Giấy chứng nhận đầu tư.

Theo đó, năm 2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã ra quyết định chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án với lý do nhà đầu tư quyết định chấm dứt dự án và vi phạm tiến độ theo quy định pháp luật.

Do dính quy hoạch "treo" hơn 10 năm nên nhiều công trình nhà ở tại khu vực này đã xuống cấp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần