Tàu cá “khát” lao động
Do thiếu người và bạn chài gây khó dễ, hàng trăm chủ phương tiện khai thác thủy sản ở Quảng Ngãi phải chạy vạy, năn nỉ để tìm và "giữ chân" lao động của mình để tàu cá ra khơi đúng ngày, đúng tháng.
Về vùng biển, chuyện "mượn tiền giữ chân" bạn chài bây giờ xem như "dịch vụ tài chính" không có lãi. Chủ tàu dày kinh nghiệm vùng biển Hoàng Sa, ngư dân Nguyễn Tấn Tư trú gần cửa biển Sa Kỳ (thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: “Có thời điểm, chi vài trăm triệu cho ngư dân về nhà, hứa ngày giờ trở lại đi biển. Ai ngờ, đến ngày giờ xuất bến, vẫn không thấy người đến. Người đi biển rất tâm linh, nên giờ ngày xuất bến rất quan trọng, nhưng lao động không đủ thì đành bó tay".
Như ngư dân Tư, đáng nhớ nhất là chuyến biển đầu năm vừa rồi, lên kế hoạch mùng 6 tháng Giêng xuất bến, nhưng đến ngày hẹn chỉ có 2 lao động, còn 8 người biệt tăm, gọi thì không ai máy. Trong khi đó, giá nhiên liệu đã tăng cao so với các năm, không tranh thủ ra khơi sẽ khó kiếm lời.
Thông thường, nếu khai thác xa bờ từ 15 ngày trở lên, mỗi tàu cá ít nhất phải có 10-12 lao động. Nếu không đủ người, thời gian đánh bắt sẽ kéo dài hơn, bạn chài làm việc nhiều hơn, kéo theo đó là chất lượng hải sản kém, giá bán thấp và hiệu quả đánh bắt giảm xuống.
Tiếp xúc với các chủ tàu, được biết, tình trạng “khát” lao động đi biển căng thẳng nhất là sau Tết Nguyên đán. Thời điểm ấy, các lão làng "gác tay" không ra biển, còn thanh niên trai tráng thì chạy đông chạy tây kiếm việc, bỏ nghề biển lên bờ làm công nhân, an toàn hơn so với ra biển đương đầu sóng gió.
Ông Lê Văn Vương- Chủ tàu cá QNg 91979-TS, trú ở xã Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi) chia sẻ: “Cách đây vài năm, phải vào tận các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên tìm bạn chài, chi hơn 350 triệu đồng để ứng trước cho các thuyền viên. Vậy mà sau đó, một số không đi làm, số khác thì đi vài phiên biển đã nghỉ giữa chừng”.
Thông thường, số tiền nợ ngư dân ứng trước sẽ được trừ dần sau mỗi chuyến biển, thế nhưng đến ngày giờ đi biển, gọi điện hoài mà bạn chài vẫn không hồi âm, nhiều chủ tàu đành bỏ ngang số tiền đã cho họ mượn.
Tình trạng thiếu lao động đi biển đã diễn ra trong khoảng vài năm gần đây. Nhiều tàu cá đã chuẩn bị đủ dầu, trữ đá và nhu yếu phẩm, nhưng vẫn chưa thể vươn khơi đúng phiên biển, nhất là vào đầu năm, vì không có bạn chài. Đáng nói là, các chủ tàu chỉ giữ lao động bằng cách ứng tiền mà chưa cách khác khả thi hơn.
Tìm lời giải “cơn khát”
Ông Nguyễn Thanh Hùng- Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu cho biết, để giải quyết tình trạng thiếu lao động đi biển, các chủ tàu trong xã đã phải chạy vạy trong và ngoài tỉnh để tìm người. Tình trạng thiếu hụt lao động đi biển xảy ra sau tết và ngay cả sau mỗi phiên biển.
"Việc chủ tàu cho ứng tiền lao động chỉ là giải pháp tình thế, còn thực trạng lao động trẻ đi biển ngày càng hiếm nên về lâu dài, cần phải đào tạo nguồn lực đi biển bài bản"- ông Hùng nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Văn Mười- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi cho biết, qua theo dõi được biết tình trạng thiếu hụt lao động đi biển khoảng 4 - 5 năm trở lại đây.
Theo đó, do giá nhiên liệu tăng cao nên nhiều tàu nằm bờ, số lao động bù vào các tàu ra khơi, nhưng vẫn thiếu. Vì vậy, tình trạng ngư dân ứng tiền rồi bỏ qua tàu khác và có cả việc lao động ứng tiền tàu này rồi qua ứng tiền tàu cá khác, sau đó cũng không đi biển cho tàu nào.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do một bộ phận lao động nghề biển đã lớn tuổi nên lên bờ, trong khi đó, số thanh niên vùng biển thì lựa chọn làm công nhân ở các khu công nghiệp, thu nhập thấp hơn đi biển nhưng ổn định, không nguy hiểm tính mạng.
Ông Mười cũng cho biết, hiện chưa có thống kê cụ thể lao động trên biển bỏ nghề là bao nhiêu. Còn việc giữ chân lao động thì có một số vùng biển làm rất hay. Cụ thể như ở vùng biển Mỹ Á, xã Phổ Quang, xã Phổ Châu (thị xã Đức Phổ), chủ tàu ngoài trả lương cứng cho lao động mỗi tháng, còn cho họ "cổ đông" vào tàu, sau mỗi phiên biển chia tiền sòng phẳng. Khi có quyền lợi trên tàu, ngư dân tự lo cho tàu, sẵn sàng ra khơi khi thuyền trưởng điều động.