Tại các buổi làm việc của Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội với Sở TN&MT, Sở GT-VT... thực trạng cũng như giải pháp để bảo vệ môi trường không khí trên địa bàn TP đã được tập trung làm rõ. Trong đó có các giải pháp liên quan đến hiệu quả thực hiện đề án thu phí phương tiện vào một số khu vực; các biện pháp giảm phát sinh khí thải giao thông gây ô nhiễm môi trường ở một số quận nội đô; kết nối hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia phương tiện công cộng...
Mỗi ngày tăng 1.100 phương tiện cá nhân
Kết quả khảo sát từ dự án của Ngân hàng thế giới hỗ trợ Hà Nội cho thấy, nguồn thải gây ô nhiễm không khí của Hà Nội từ hoạt động công nghiệp chiếm 33% (bao gồm làng nghề); nguồn thải từ giao thông chiếm 25%; từ hoạt động trồng trọt trong nông nghiệp, phát thải khí amoni chiếm 22%. Ngoài ra từ các nguồn như đun nấu, đốt rơm rạ, đốt rác lộ thiên không kiểm soát...
Để quản lý phát thải của phương tiện tham gia giao thông nhằm giảm ô nhiễm môi trường nhằm phát triển giao thông bền vững, Sở GT-VT Hà Nội đã đưa ra giải pháp phát triển giao thông vận tải Thủ đô theo hướng sử dụng vận tải công cộng là chính; xây dựng cơ chế hỗ trợ để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng nhằm hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân. Qua đó, góp phần cải thiện chất lượng không khí, tránh ùn tắc cục bộ nhất là trong khu vực nội đô và quy hoạch các vùng lõi được phép lưu thông các phương tiện để tiến tới hạn chế và cấm phương tiện cá nhân.
Ngành GT-VT đã tham mưu UBND TP thực hiện Quyết định 876 về chuyển đổi năng lượng sạch, giảm khí thải cac-bon từ sử dụng dầu diesel chuyển sang sử dụng năng lượng xanh đến hết 2030 là 54,5%; đến hết 2034 là 100%. Hệ thống vận tải hành khách công cộng được cải thiện chất lượng phương tiện, có 269 xe sử dụng năng lượng sạch (còn lại trên 1.200 xe đều đạt tiêu chuẩn khí thải EURO 4, thời gian sử dụng vẫn còn trong ngưỡng an toàn).
Tuy nhiên, thực tế số lượng phương tiện cá nhân tại Hà Nội vẫn liên tục tăng trong thời gian qua, điều đó kéo theo tình trạng ùn tắc giao thông gia tăng. Ùn tắc giao thông dẫn đến tăng lượng khí phát thải, tăng ô nhiễm không khí. Theo báo cáo của đại diện Sở GT&VT Hà Nội với Đoàn giám sát, đến nay toàn TP có trên 7.860 nghìn phương tiện các loại (trong đó ô tô là trên 1.073 nghìn; xe máy/mô tô các loại 6.602 nghìn; xe máy điện là 184/471 phương tiện).
Qua theo dõi cho thấy, mỗi năm Hà Nội tăng 390 nghìn phương tiện; 1 tháng tăng 32.750 phương tiện; 1 ngày tăng 1.100 phương tiện các loại. Số lượng này rất lớn, là nguồn khí thải lớn gây ô nhiễm không khí, chưa kể việc sử dụng nhiên liệu đốt khác.
Theo lãnh đạo Sở GT-VT, với số lượng phương tiện như vậy và dân cư gần 10 triệu người thì tình hình ùn tắc diễn biến ngày càng phức tạp. Qua khảo sát tình hình ùn tắc giao thông cho thấy: Riêng vành đai 3 qua cầu Thanh Trì lưu lượng tăng 8,1 lần so với thiết kế; vành đai 2 qua cầu Vĩnh Tuy tăng 6,3 lần; cầu Chương Dương lưu lượng tăng 8,4 lần so với thiết kế.
Với lưu lượng phương tiện và tình hình ùn tắc giao thông này thì các phương tiện nổ máy chờ cũng đã phát ra lượng khí thải lớn gây ô nhiễm.
Người đi bộ không còn chỗ để đi
Đại diện Sở GT-VT cũng cho biết, để hạn chế phương tiện cá nhân, ngành vẫn nỗ lực phát triển giao thông Thủ đô theo hướng vận tải công cộng là chính và xây dựng cơ chế hỗ trợ người dân sử dụng phương tiện công cộng. Trong những năm qua mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP tăng, tính đến hết năm 2022, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP gồm 154 tuyến, trong đó 132 tuyến buýt có trợ giá. Tuyến đường sắt 2A Cát Linh – Hà Đông với tổng lượt xe thực hiện ước đạt 69.058 lượt, vận chuyển ước đạt 7,3 triệu lượt hành khách.
Sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022 đạt 340 triệu lượt hành khách tăng 67,7% so với cùng kỳ 2021 (trong đó buýt trợ giá đạt 334 triệu lượt hành khách tăng 72% so với cùng kỳ 2021).
Đến nay, mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã (đạt 100%); 510/579 số xã, phường thị trấn (đạt 88,4%); 65/75 bệnh viện; tiếp cận 100% khu công nghiệp lớn; 33/37 các khu đô thị đạt 89,2%; 23/24 làng nghề; 23/25 khu di tích lịch sử văn hoá khu du lịch; kết nối với 6 tỉnh - thành lân cận.
Trước câu hỏi của thành viên Đoàn giám sát về việc kết nối giữa các tuyến để tại điều kiện thuận lợi cho hành khách khi tham gia giao thông công cộng, đại diện Sở GT-VT cho biết: Sở GT-VT tiếp tục rà soát điều chỉnh kết nối với tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông, đang điều chỉnh 130 phương tiện; tiếp tục rà soát điều chỉnh tuyến Nhổn-Ga Hà Nội, trước mắt là tuyến Nhổn-Cầu Giấy; rà soát toàn bộ hệ thống các điểm đỗ, nhà chờ để người đi bộ, xe đạp thuận tiện trong kết nối để sử dụng phương tiện vận tải công cộng. Tuy nhiên thực tế hiện nay, điều kiện hạ tầng rất khó dành đất để phát triển cho người đi bộ và tình hình ngày càng phức tạp, người đi bộ không biết đi vào chỗ nào.
Hơn 50% xe máy cũ không đạt tiêu chuẩn khí thải
Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường-Sở TN&MT Hà Nội cho biết, với phương tiện ô tô, có thể kiểm soát phát khí thải thông qua đăng kiểm nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là chưa có hành lang pháp lý để quản lý lượng khí thải của hơn 6 triệu xe máy. Đơn vị đã phối hợp Sở GT-VT xây dựng thí điểm kiểm soát khí thải để kiểm soát lượng khí thải do xe máy cũ sử dụng 5 năm trở lên. Kết quả kiểm tra ngẫu nhiên 5.240 xe có tuổi đời trên 5 năm cho thấy 45,8% đạt tiêu chuẩn ở lần đo thứ nhất (còn lại hơn 50% xe không đạt). Sau khi được trung tâm bảo dưỡng điều chỉnh, làm sạch lọc gió, hỗ trợ bảo dưỡng xe thì đo lại lần 2 đều đạt tiêu chuẩn ở mức 86,62%. Tổng các xe đo 2 lần đạt tiêu chuẩn khí thải là 90,46%.
Kết quả này khẳng định, nếu các xe máy tham gia giao thông có quy trình kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ theo đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất thì sẽ đảm bảo tiêu chuẩn khí thải. Vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền nhận thức người dân về thực hiện bảo dưỡng xe thường xuyên, định kỳ sẽ giảm phát khí thải ô nhiễm, mang lại hiệu quả bảo vệ môi trường tốt hơn.