Khổ như... giáo viên tiểu học

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước đây, giáo viên tiểu học được cho là nghề nhàn hạ, yêu cầu bằng cấp không cao, kiến thức truyền đạt chỉ ở mức nhận biết đơn giản.

Thì nay, yêu cầu về trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học đã nâng lên, cái nhìn của xã hội với giáo viên tiểu học đã thay đổi và đi liền với đó là trách nhiệm công việc cũng ngày càng nặng nề.....

Điều 72, Luật Giáo dục 2019 đã nêu rõ: Để trở thành giáo viên tiểu học phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. Quan sát thực tế, nhiều người đã nhìn ra sự vất vả và khối lượng công việc rất lớn mà giáo viên tiểu học phải đảm trách hàng ngày. Tuy vậy, đó mới chỉ là cảm nhận của người ngoài cuộc bởi với giáo viên tiểu học, những nhiệm vụ có tên và không tên đã tạo nên cho họ vô vàn áp lực.

Giáo viên trường Tiểu học Phan Chu Trinh. Ảnh: Điệp Quyên
Giáo viên trường Tiểu học Phan Chu Trinh. Ảnh: Điệp Quyên

Các thầy cô ra khỏi nhà từ sáng sớm, dạy bán trú cả ngày, đứng lớp giảng dạy các môn học, xử lý liên tục tình huống phát sinh như cãi lộn, mách cô, tranh đồ, mất đồ… của học sinh.

Giờ ra chơi, thầy cô phải tranh thủ tổng hợp sổ sách, kiểm tra và trả lời tin nhắn phụ huynh hoặc báo cáo lên nhóm zalo lớp các nội dung công việc cần thực hiện. Hết giờ học sáng là giờ ăn trưa. Dù có nhân viên chăm sóc bán trú nhưng các giáo viên tiểu học vẫn không rời mắt khỏi học trò…

Đó là các phần việc chuyên môn, ngoài ra, giáo viên tiểu học còn phụ trách nhiều phần việc liên quan như các phong trào, hoạt động của lớp, của trường, của ngành… Tối về nhà, thầy cô lại vùi đầu vào giải quyết những nội dung trong và ngoài chuyên môn, gồm cả việc gọi điện, nhắn tin, trả lời tin nhắn, hướng dẫn học sinh giải bài, đối thoại với phụ huynh để giải quyết một số việc của lớp… Nhiều người nhà của giáo viên tiểu học phải than thở: “Sao nghề gõ đầu trẻ ngày nay vất vả và áp lực quá!”.

Tại hội nghị lấy ý kiến xây dựng đề án thu hút giáo viên tiểu học vừa được Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo Phòng Giáo dục tiểu học chia sẻ, ngoài việc phải dạy nhiều môn, làm giáo viên chủ nhiệm, nhiều giáo viên tiểu học còn phải kiêm nhiệm những công việc, chức danh khác như: Khối trưởng chuyên môn, Tổng phụ trách, Bí thư Chi Đoàn, Chủ tịch Công đoàn, giáo viên mạng lưới của Hội đồng bộ môn quận, huyện… Các phần việc này đều yêu cầu trình độ, trách nhiệm, tâm huyết, công sức của người giáo viên; vậy nhưng chế độ đãi ngộ đối với giáo viên tiểu học vẫn ở mức thấp.

Và vì nhiều nguyên nhân, trong đó có áp lực cao, cơ chế đãi ngộ chưa tương xứng mà làn sóng chuyển việc của giáo viên (bao gồm giáo viên tiểu học) đã xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận xét: Nếu như trước đây nhiều người muốn “xin” vào ngành giáo dục thì hiện nay lại có một lượng lớn giáo viên bỏ hẳn nghề.

Tình trạng giáo viên nghỉ việc thực sự đáng báo động, đặc biệt là khi cả nước còn thiếu lượng lớn giáo viên. Trước thực trạng đáng lo ngại trên, các ngành chức năng cần tìm giải pháp khắc phục, trong đó quan tâm đến việc cải thiện chế độ tiền lương, đãi ngộ, tạo ra môi trường phát triển cho giáo viên…

Từ ngày 1/7/2023, thực hiện chính sách tiền lương mới, lương giáo viên tiểu học sẽ được tăng lên. Cụ thể, đối với giáo viên tiểu học mới vào ngành được xếp hạng III có hệ số lương 2,34, phụ cấp ưu đãi 35%, lương khởi điểm khoảng 5,5 triệu đồng/tháng; giáo viên tiểu học hạng I cao nhất có hệ số lương 6,78 thêm phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, phụ cấp thâm niên vượt khung có thể thực nhận lương trên 18 triệu/tháng.

Đây là tin vui với đội ngũ giáo viên nói chung và giáo viên tiểu học nói riêng. Mức tăng lương này sẽ phần nào giải quyết được khó khăn của thầy cô, là động lực giúp họ yêu và gắn bó với nghề. Cùng với đó, giáo viên tiểu học luôn mong muốn giảm áp lực, giảm sổ sách giấy tờ, được thỏa sức sáng tạo, có môi trường làm việc thoải mái… để thầy cô tiếp tục được cống hiến, gạt đi mọi trở ngại và hết lòng vì học sinh thân yêu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần