Khó vay vốn, ngân hàng khó hay doanh nghiệp yếu?

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Doanh nghiệp khát vốn, trong khi tăng trưởng của các ngân hàng vẫn khó khăn, đó là nghịch lý đang diễn ra hiện nay.

Chưa tìm được tiếng nói chung

Hiện nay, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động (cả nước đang có 857.600 doanh nghiệp hoạt động). Thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các tác động từ tình hình thế giới khác, đơn hàng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sụt giảm, đầu ra khó khăn, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu vẫn cao… ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, kinh doanh.

Vốn vay ngân hàng là điểm tựa cho doanh nghiệp phát triển sản xuất. Ảnh: Thanh Hải
Vốn vay ngân hàng là điểm tựa cho doanh nghiệp phát triển sản xuất. Ảnh: Thanh Hải

Để tháo gỡ tình trạng trên, TS Tô Hoài Nam– Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét chỉ đạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn. Tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng điều kiện cho vay; xem xét thành lập quỹ, dùng đòn bẩy tín dụng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp; cơ cấu lại các khoản nợ cho doanh nghiệp… “Qua khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện nay vẫn có hơn 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa được khảo sát cho biết đang thiếu vốn và khó tiếp cận vốn” – TS Tô Hoài Nam thông tin.

Nhận định về nguyên nhân khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, TS Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Vietnam cho rằng, nguyên nhân đến từ cả 2 phía chưa tìm được tiếng nói chung. Lãi suất không phải là rào cản chính khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, quan trọng là 2 bên “cung vốn” và “cầu vốn” phải gặp nhau.

Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có điều chỉnh linh hoạt các gói tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn, giảm lãi vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa có phương án kinh doanh rất yếu, thậm chí không có. Ngân hàng vì thế không có cơ sở để cho vay mới, không dám cho vay mạo hiểm.

Thừa nhận về thực trạng này, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Trịnh Thị Ngân chia sẻ, bản chất doanh nghiệp nhỏ và vừa yếu và thiếu nhiều mặt như: vốn, năng lực quản trị, điều hành, kinh nghiệm. Từ nhiều năm nay việc doanh nghiệp luôn kêu khó tiếp cận vốn ngân hàng, trong khi ngân hàng nói rằng lúc nào cũng thoải mái để cho vay. Nhưng để song hành lại là bài toán cực kỳ khó khăn, nan giải. “Giai đoạn vừa qua có rất nhiều rủi ro nên ngân hàng phải chặt chẽ hơn trong thủ tục, sâu sát hơn đối với nội tại của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề thủ tục có những chỗ cần nới, có những chỗ cần chặt chứ không phải cái gì cũng chặt quá” - bà Ngân nêu quan điểm.

Tăng sự tin cậy cho đối tác, cách nào?

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN Hà Thu Giang cho biết, hiện nay, Luật Các tổ chức tín dụng quy định các tổ chức tín dụng yêu cầu khách hàng vay vốn phải cung cấp tài liệu chứng minh phương án khả thi, năng lực tài chính để bảo đảm khả năng trả nợ, nhằm sử dụng vốn đúng mục đích. Thông tư hướng dẫn cũng quy định, NHNN Việt Nam không quy định khoản vay bắt buộc phải có tài sản bảo đảm. Thực tế các tổ chức tín dụng vẫn cho vay tín chấp nếu khách hàng chứng minh được khả năng trả nợ). 

Mặc dù không thay đổi quy định cho vay nhưng thời gian qua, NHNN đã cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn qua việc ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng. Qua đó, khách hàng có điều kiện được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Ngoài ra về mặt cơ chế chính sách, cơ quan này cũng đã ban hành Thông tư số 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng và Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, trong đó, bổ sung quy định về hoạt động bảo lãnh điện tử và cho vay bằng phương tiện điện tử. “Với tính chất quan hệ đồng hành, cộng sinh, khó khăn, thách thức hiện hữu của doanh nghiệp cũng chính là khó khăn mà ngân hàng sẽ phải đối mặt. Các tổ chức tín dụng cũng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng bảo đảm an toàn hệ thống” – bà Hà Thu Giang nêu quan điểm.

Để tăng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, TS Lê Duy Bình cho rằng, ngoài giải pháp từ ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách khác nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ. Cụ thể, cần xử lý triệt để các vấn đề tồn tại của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp để qua đó góp phần đẩy mạnh cả hai phía cung - cầu tín dụng.

Về phía các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nâng cao năng lực quản trị dòng tiền và tìm cách sử dụng nguồn vốn tốt nhất để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp cần làm đúng với yêu cầu đã cam kết với ngân hàng khi vay vốn, phục vụ sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp và hoàn trả lại vốn cho ngân hàng. Đây là công cụ quan trọng giúp họ tăng trưởng, phục hồi sản xuất kinh doanh.