Theo đó, dự án sẽ triển khai thực hiện các hạng mục chính như: Nạo vét mở rộng luồng đường thủy dài gần 10km; xây dựng công trình bảo vệ bờ Nam kênh Chợ Gạo; xây dựng cầu và đường dân sinh đi qua địa bàn các xã bờ Nam (xã Bình Phục Nhứt, xã Bình Phan và thị trấn Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang).
Để triển khai dự án, UBND huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã áp giá bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng 5 khu tái định cư để ổn định đời sống cho khoảng hơn 600 hộ dân ở ven bờ kênh, với tổng kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 683 tỷ đồng.
Sau khi cải tạo và nâng cấp, đoạn luồng trên sẽ đạt quy chuẩn luồng đường thủy cấp II, có độ sâu hơn 3,5m, rộng hơn 50m…, giúp tàu thuyền lưu thông thuận lợi hơn…
Kênh Chợ Gạo được đào năm 1877 và đi vào hoạt động từ những năm 1900. Kênh Chợ Gạo là tên gọi chung của tuyến đường thủy dài khoảng 28,6km qua địa phận huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây của tỉnh Tiền Giang và một phần tỉnh Long An.
Kênh Chợ Gạo là tuyến giao thông thủy huyết mạch kết nối giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với Đông Nam Bộ. Có khoảng 75% khối lượng hàng hóa đi bằng đường thủy giao thương giữa ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh đi qua tuyến kênh này. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở diễn ra rất nghiêm trọng, nhu cầu nâng cấp tuyến kênh này rất cấp bách.
Trước đó, năm 2013, dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo được khởi công với tổng kinh phí hơn 2.263 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 (kinh phí 787 tỷ đồng, thực hiện nạo vét 17,25km luồng đạt chuẩn cấp II đường thủy nội địa) đã hoàn thành năm 2016.
Tháng 9/2020, Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2.