Người con sông La
Núi Quần Hội soi bến nước Tam Soa mà hình thành nên đất quê Tùng Ảnh. Vùng quê ấy nằm bên hữu ngạn sông La, nơi hội tụ của hai dòng sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố trong xanh, thơ mộng. Khí thiêng của núi sông và truyền thống văn hóa, văn hiến lâu đời đã hun đúc nên tâm hồn, cốt cách của bao thế hệ người dân sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này.
Cố Tổng Bí thư Trần Phú sinh ngày 1/5/1904 trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước quê gốc ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh). Mặc dù mồ côi cha mẹ từ lúc còn nhỏ, nhưng với nghị lực phi thường, đồng chí Trần Phú đã nỗ lực học tập, rèn luyện và sớm tham gia các tổ chức yêu nước.
Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tài năng mẫn cán, trí tuệ uyên bác, lòng yêu nước nhiệt thành, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 10/1930, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Vinh dự lớn, trách nhiệm nặng nề, trên cương vị mới ông đã chủ trì khởi thảo và cùng Ban Chấp hành Trung ương cụ thể hóa Luận cương chính trị năm 1930, kịp thời đưa ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, sáng tạo, đưa phong trào cách mạng phát triển.
Uy tín của Đảng Cộng sản ngày càng được khẳng định, cao trào cách mạng dấy lên mạnh mẽ ở nhiều nơi, Thực dân Pháp đã ráo riết truy lùng người Tổng Bí thư tài năng, trẻ tuổi. Mặc dù bị địch bắt, tra tấn dã man, nhưng đồng chí Trần Phú vẫn giữ vững chí khí cách mạng kiên cường, lòng kiên trung, son sắt với Đảng.
Câu nói nổi tiếng “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” trước lúc hy sinh khi mới 27 tuổi của đồng chí Trần Phú trở thành phương châm, lý tưởng, hành động cách mạng cao đẹp. Sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Trần Phú là tấm gương sáng ngời về nhà lãnh đạo, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất cho các thế hệ học tập, noi theo.
Chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương
Tự hào là quê hương của Tổng Bí thư Trần Phú, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tùng Ảnh luôn phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, cùng chung sức, đồng lòng, quyết tâm xây dựng quê hương khởi sắc.
Tiếp xúc với phóng viên, ông Dương Văn Bé ở thôn Thạch Thành vui mừng cho biết: Quê hương Tùng Ảnh có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh nhân khoa bảng, đặc biệt là quê hương của Tổng Bí thư Trần Phú nên mọi người đều rất đỗi tự hào.
“Người sống ở quê thì ra sức thi đua lao động, sản xuất, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Con em xa quê thành đạt luôn một lòng hướng về quê hương bằng tình cảm, trách nhiệm và những đóng góp thiết thực trong xây dựng kết cấu hạ tầng, phong trào khuyến học, khuyến tài, các hoạt động văn hóa, thể thao....” - ông Dương Văn Bé tự hào cho biết thêm.
Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, huy động tối đa mọi nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội, năm 2013 xã Tùng Ảnh đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2018 địa phương này đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đến năm 2020 trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Nông thôn mới, sức sống mới đã mang đến diện mạo mới trên quê hương Tùng Ảnh anh hùng.
Ông Phan Tiến Dũng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh cho biết: Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 54 triệu đồng/người/năm. Địa phương luôn quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong nâng cao chất lượng các tiêu chí của xã nông thôn mới kiểu mẫu, đảm bảo phát triển bền vững. Tiếp tục huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang nhà ở, vườn hộ, đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp. Khơi dậy, phát huy các hoạt động văn hóa, thể thao, phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học...
“Xã Tùng Ảnh luôn đặc biệt quan tâm, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động, quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, xứng tầm là quê hương Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng” - ông Phan Tiến Dũng chia sẻ.
Tam Soa soi bóng núi Tùng. Truyền thống văn hóa, khoa bảng, đặc biệt là tinh thần, khí tiết cách mạng của đồng chí Trần Phú mãi luôn là niềm tin, động lực, tạo sức mạnh to lớn để Tùng Ảnh vững bước đi lên trên chặng đường mới.