Khơi thông thị trường xuất khẩu gia cầm
Kinhtedothi - Mặc dù ngành nông nghiệp đã tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm gia cầm. Song, làm sao để nhiều sản phẩm gia cầm Việt Nam thâm nhập vào những thị trường khó tính, đem về nguồn thu lớn vẫn là bài toán khó.
Bước đầu điền tên vào bản đồ xuất khẩu gia cầm thế giới
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đánh giá, lĩnh vực chăn nuôi gia cầm đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp. Theo đó, giá trị sản xuất của chăn nuôi gia cầm ước đạt 220 - 250.000 tỷ đồng, chiếm 26% toàn lĩnh vực chăn nuôi. Chăn nuôi gia cầm đã góp phần quan trọng giải quyết sinh kế cho hàng triệu hộ nông dân.

Nhà máy giết mổ gia cầm tại Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Ảnh: Hương Giang
Trong thời gian qua, bước đầu Việt Nam được điền tên vào bản đồ xuất khẩu sản phẩm gia cầm của thế giới. Theo đó, năm 2017, Việt Nam xuất khẩu lô thịt gà chế biến đầu tiên sang thị trường Nhật Bản. Đến năm 2019, Việt Nam xuất khẩu thịt gà đến thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) và thị trường Liên minh kinh tế Á - Âu, Mông Cổ, Singapore lần lượt vào các năm 2020, 2023 và 2025.
Như vậy, đến nay, đã có các quốc gia, vùng lãnh thổ sau chấp thuận nhập khẩu thịt gà và trứng của Việt Nam như: Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Hàn Quốc, Mông Cổ, Australia, Lào, Campuchia, Myanmar, Liên minh kinh tế Á - Âu.
Đáng chú ý, Việt Nam đứng thứ 10 thế giới về đầu con với đàn gà và đứng thứ 2 thế giới về thủy cầm. Sản lượng trứng gia cầm năm 2024 đạt hơn 20,3 tỷ quả. Hiện, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 5,8 – 6,1 triệu con giống gia cầm; đồng thời, xuất khẩu khoảng 4.600 – 5.100 tấn thịt gia cầm các loại.
Bên cạnh kết quả đạt được, lĩnh vực chăn nuôi gia cầm cũng đang đối diện với những thách thức không nhỏ khi tăng trưởng sản xuất đang có xu hướng giảm, hiệu quả sản xuất gia cầm giảm dần. Năng suất chăn nuôi vẫn còn thấp, giá thành sản phẩm cao. Ngoại trừ khu vực chăn nuôi công nghiệp, còn lại năng suất chăn nuôi gia cầm Việt Nam vẫn thấp, giá thành cao.
Hệ thống sản xuất gia cầm vẫn bị cắt khúc, liên kết chuỗi còn yếu. Hiện nay chỉ mới hình thành được chuỗi liên kết sản xuất gà thịt của các tập đoàn lớn nhưng tỷ trọng hàng hóa theo chuỗi chưa lớn. Phần lớn các DN nội chưa xây dựng được chuỗi liên kết.
Cần thêm DN đầu tàu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý nhận định, về xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam cũng mới chủ yếu xuất bán sản phẩm thô chứ chưa có sản phẩm chế biến trong khi đó các quốc gia khác có hàng trăm mặt hàng chế biến sâu. Do đó, chế biến và chế biến sâu là một trong những giải pháp quan trọng. Để đẩy mạnh xuất khẩu, Việt Nam cần có những DN lớn, DN đầu tàu để dẫn dắt hệ sinh thái theo chuỗi giá trị.

Dây chuyền giết mổ gia cầm bán công nghiệp tại Công ty CP Lan Vinh (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Ánh Ngọc
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, hiện Việt Nam đã có tổ hợp nhà máy chế biến thịt gà hiện đại của Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam tại tỉnh Bình Phước. Đây là một mô hình chuỗi khép kín xuất khẩu thịt gà với công nghệ vượt trội, đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu ra tất cả các nước trên thế giới, ngay cả những thị trường có tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu và Nhật Bản, về chất lượng, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường.
Các thị trường nhập khẩu khó tính như: Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh kinh tế Á - Âu cũng đã sang thẩm tra và Việt Nam cũng đã có sản phẩm từ tổ hợp nhà máy này xuất khẩu đến thị trường Nhật Bản.
Đối với thị trường Halal, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”. Về phía DN, Tập đoàn De Heus Việt Nam đã và đang triển khai các giải pháp đồng bộ để đến năm 2026 sẽ xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của mình sang thị trường Halal.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng nhìn nhận, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến thương mại. Bởi, hiện nay, kinh phí cho xúc tiến thương mại còn rất khiêm tốn. Do đó, việc tổ chức diễn đàn gia cầm, gia cầm chế biến của Việt Nam đến các quốc gia còn hạn chế.
“Muốn phát triển bền vững, chăn nuôi gia cầm Việt Nam cần một chiến lược quốc gia tổng thể, từ đầu tư giống, công nghệ đến xây dựng vùng an toàn dịch bệnh và xúc tiến thương mại toàn cầu. Việc đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại sẽ tạo đầu ra ổn định và bền vững cũng như giá trị gia tăng cao hơn cho lĩnh vực chăn nuôi gia cầm nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh

Giá lợn hơi tăng cao thúc đẩy người chăn nuôi tái đàn
Kinhtedothi - Giá lợn hơi tăng cao mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi và doanh nghiệp, nhưng cũng đặt ra bài toán kiểm soát lạm phát. Do đó, việc tái đàn cần được các địa phương tăng cường nhằm ổn định nguồn cung thực phẩm, cũng như cân bằng cung - cầu mặt hàng thiết yếu này.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề xuất giải pháp nhập khẩu hàng nông nghiệp từ Mỹ
Kinhtedothi - Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đề xuất giải pháp nhập khẩu hàng nông nghiệp từ Mỹ trong tình hình hiện nay.

Chính sách phòng, chống dịch bệnh chăn nuôi phải thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo
Tại cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật, sáng 24/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường phải tích hợp đầy đủ các chính sách liên quan, đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ, chấm dứt tình trạng chồng chéo để cơ chế hỗ trợ thực sự hiệu quả.