Không thể cứ cần là nới room

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, hàng loạt ngân hàng thương mại đã ồ ạt xin nới room tín dụng. Nguyên nhân là do từ đầu năm đến nay, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 8,16%, nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết room được cấp.

Mặt khác, nền kinh tế đã phục hồi trở lại nên nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân, DN sẽ càng cao.

Theo lãnh đạo nhiều tổ chức tín dụng, sau 2 năm Covid-19, nhu cầu vốn của DN giống như cơn khát sau trận hạn hán, nên dư nợ tăng rất nhanh và ngân hàng sớm cạn room khi kết thúc 2 quý đầu năm nay. Vì vậy, đề xuất nới hạn mức tăng trưởng tín dụng một cách phù hợp được đánh giá là chấp nhận được.

Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, việc các ngân hàng chạy đua bơm vốn ra nền kinh tế. Nhiều giai đoạn tín dụng tăng nóng, có năm thậm chí tăng trên 50% đặt nền kinh tế đứng trước hàng loạt nguy cơ như lạm phát, nợ xấu… Vì thế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có lý do để không chiều lòng đề xuất này với tất cả các ngân hàng.

Số liệu thống kê của NHNN 3 năm trở lại đây cho thấy, room tín dụng mà các ngân hàng thương mại đăng ký luôn trên 20%, vượt xa khả năng cung ứng vốn của nền kinh tế. Nếu chiều theo nhu cầu tăng trưởng tín dụng trên của các ngân hàng thương mại, áp lực với lạm phát là rất lớn. Bởi vì để phục vụ nhu cầu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng sẽ phải chạy đua tăng lãi suất huy động, dẫn tới lãi suất cho vay và nợ xấu tăng theo.

Dù cứng rắn với việc bơm vốn thiếu kiểm soát, tuy nhiên, cửa tăng hạn mức tín dụng của các ngân hàng vẫn sẽ không đóng hoàn toàn. Phía NHNN cho biết, cơ quan quản lý sẽ xem xét, tính toán, điều hành khối lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế. Trong đó, tăng trưởng tín dụng phải phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, phù hợp với chính sách lãi suất và các quan hệ vĩ mô khác, đồng thời tạo dư địa để chính sách hỗ trợ lãi suất 2% được thực hiện.

Mỗi năm, NHNN đều đưa ra chỉ tiêu tín dụng định hướng, nhưng đều có sự điều chỉnh linh hoạt tùy diễn biến thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và dựa vào sức khỏe của từng tổ chức tín dụng. Và giải pháp được các chuyên gia đưa ra là các ngân hàng cần đa dạng hóa danh mục cho vay để giảm thiểu rủi ro. Mặt khác, hiện nay nhiều ngân hàng vẫn chưa sử dụng hết room tín dụng được cấp. Vì vậy, cần tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế.

Một giải pháp quan trọng khác nữa là có các giải pháp phát triển thị trường vốn bền vững để giảm dần gánh nặng vốn ngân hàng. Chuyển tải dần vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế từ hệ thống ngân hàng sang các thị trường vốn khác như thị trường chứng khoán, trái phiếu DN… là cần thiết để DN có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, một đề xuất khác được đưa ra là NHNN nên kiểm soát tăng trưởng tín dụng thông qua tiêu chuẩn về vốn theo Basel, kết hợp với công cụ quản lý ngân hàng hiện đại như kiểm tra định kỳ. Điều này vẫn tạo ra giới hạn tín dụng cho các ngân hàng, nhưng trên cơ sở định lượng, khách quan và minh bạch hơn.

Như vậy, mục tiêu hướng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt lĩnh vực rủi ro, cũng như điều tiết dòng tiền để kiểm soát mục tiêu lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô... của NHNN sẽ được hỗ trợ thực hiện tốt hơn và tạo thêm lòng tin cho người dân, DN về tính minh bạch của thị trường.