Hàng nghìn người Afghanistan đã rời đất nước hoặc cố gắng tìm cách lên máy bay rời Kabul một cách tuyệt vọng, do lo sợ lực lượng Taliban sẽ thực hiện hệ thống luật Hồi giáo sharia vốn được nhóm này áp đặt 20 năm trước đây.
Sẽ có cuộc di cư khổng lồ từ Afghanistan?
Nỗi sợ hãi về hệ thống luật Hồi giáo sharia khắc nghiệt không phải là lý do duy nhất khiến người Afghanistan tìm cách rời khỏi đất nước. Tình trạng bạo lực, hạn hán và khủng hoảng Covid-19 đã khiến hàng triệu người Afghanistan cần viện trợ nhân đạo, và nhiều người trong số họ có thể trở thành người di cư kinh tế trong những tháng tới.
Đông đảo người dân Afghnitan rời khỏi đất nước bằng cách băng qua Islam Qala ở phía Tây tỉnh Herat, khu vực biên giới giáp Iran. Ảnh: AP |
Taliban đã đóng cửa các vùng biên giới quan trọng và có một số lượng "rất hạn chế" người Afghanistan có thể đi qua biên giới, nhưng Liên minh châu Âu (EU) cho rằng "áp lực di cư gia tăng" sẽ diễn ra trong thời gian dài do sự bất ổn dưới sự cầm quyền của lực lượng phiến quân.
Cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc cho biết, hơn 550.000 người Afghanistan đã bị mất nhà cửa kể từ tháng 1 năm nay do tình hình an ninh gia tăng bất ổn.
Trước lo ngại về tình hình nhân đạo tại quốc gia Nam Á này, EU đã thúc giục các quốc gia thành viên tăng hạn ngạch nhập học cho những người Afghanistan cần được bảo vệ, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.
Vương quốc Anh tuyên bố nước này sẽ đón nhận 5.000 người Afghanistan trong năm đầu tiên của chương trình tái định cư mới, trong đó ưu tiên phụ nữ, trẻ em gái và dân tộc thiểu số. Sau đó, con số này sẽ có thể tăng lên 20.000 người trong dài hạn.
Châu Âu sẽ mở cửa chào đón người di cư tương tự năm 2015?
Trong ngắn hạn, châu Âu sẽ không sẵn sàng đón nhận cuộc di cư mới. Vào năm 2015 và 2016, Đức đã mở cửa biên giới đối với người tị nạn Syria và những người di cư do chiến tranh và đói nghèo, một động thái khiến Thủ tướng Angela Merkel được quốc tế hoan nghênh, song lại hứng nhiều chỉ trích ở trong nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel có kế hoạch từ chức sau cuộc bầu cử liên bang vào ngày 26/9 tới, vì vậy kịch bản tương tự sẽ khó lặp lại tại nước Đức. Dẫu vậy, Thủ tướng Merkel nói rằng những người tị nạn nên được đảm bảo an toàn ở các nước láng giềng Afghanistan trước khi EU xem xét tiếp nhận.
Pakistan hiện là nơi sinh sống của 1,4 triệu người Afghanistan tị nạn, trong khi Iran có gần 1 triệu người, theo dữ liệu của cơ quan tị nạn Liên hợp quốc. Trên thực tế, số lượng người Afghanistan không có giấy tờ ở cả hai quốc gia này ước tính còn cao hơn rất nhiều.
Trong khi đó, các quốc gia EU khác không muốn tái diễn cuộc khủng hoảng di cư hồi năm 2015/16, một phần do lo ngại về phản ứng dữ dội của các cử tri.
Chính phủ Áo ngày 14/8 cho biết, nước này kiên quyết trục xuất những người Afghanistan xin tị nạn nhưng không đủ điều kiện. Áo là 1 trong số 6 nước EU kiên quyết trục xuất những người Afghanistan xin tị nạn nhưng không đủ điều kiện. Tuy nhiên, 3 nước gồm Đan Mạch, Đức và Hà Lan đã thay đổi quan điểm về vấn đề này và ngừng trục xuất người xin tị nạn Afghanistan trong bối cảnh hiện nay.
Lực lượng biên phòng của Hy Lạp đang trong tình trạng cảnh giác, để tránh lặp lại những đợt di cư ồ ạt của người Syria qua Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2015. Hy Lạp gần đây đã ngăn chặn những người tị nạn Afghanistan đi qua vùng biển của nước này.
Sau cuộc khủng hoảng di cư năm 2015/2016, EU đã tăng cường lực lượng cho Frontex - cơ quan biên phòng châu Âu thuộc EU, để có năng lực lớn hơn trong việc ngăn chặn và hồi hương những người di cư bất hợp pháp.
Người Afghanistan sẽ dễ dàng di cư sang châu Âu?
Việc xin tị nạn tại châu Âu sẽ khó hơn đối với người Afghanistan so với trước đây.
Iran đã kêu gọi nhiều người trong số hơn 2 triệu người di cư Afghanistan không có giấy tờ, cùng với 800.000 xin tị nạn tại nước Cộng hòa Hồi giáo nên quay về Afghanistan.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện là quốc gia tiếp nhận người tị nạn lớn nhất thế giới, với hơn 4 triệu người, trong đó phần lớn là người Syria. Trong nỗ lực ngăn chặn làn sóng di cư mới, chính quyền Ankara đang xây dựng một bức tường chạy dọc biên giới với Iran.
EU cũng đã ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc khủng hoảng di cư hồi năm 2015/2016, theo đó Ankara sẽ ngăn dòng người di cư đến châu Âu.
Các tuyến đường quá cảnh vào EU qua Tây Balkan cũng trở nên ít thông thoáng hơn so với trước đây.
Châu Âu sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Kabul?
Các nước phương Tây hiện chưa chính thức công nhận việc Taliban nắm quyền điều hành Afghanistan, song thừa nhận rằng cần viện trợ cho quốc gia còn nhiều khó khăn về kinh tế, điều này được xem là giúp ngăn chặn làn sóng di cư ồ ạt.
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong tuần này khẳng định, rằng việc hỗ trợ nhân đạo sẽ là chìa khóa để ngăn chặn tái diễn cuộc khủng hoảng di cư như hồi năm 2015.
Chính phủ Anh cũng tuyên bố sẽ tăng gấp đôi viện trợ nhân đạo và phát triển cho Afghanistan lên gần 400 triệu USD trong năm nay. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn cho các nước láng giềng của Afghanistan để tiếp nhận người di cư từ quốc gia này./.