Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khủng hoảng bất động sản tàn phá nền kinh tế Đức đến mức nào?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vốn là một trong những trụ cột kinh tế, bất động sản giờ đây đang là gánh nặng của nền kinh tế số một châu Âu.

Nền kinh tế Đức có nguy cơ phải đối diện với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khi hàng loạt công ty xây dựng nhà ở rơi vào tình cảnh vỡ nợ.

Việc nhiều chủ doanh nghiệp tuyên bố vỡ nợ khiến kế hoạch xây dựng 400.000 nhà mới/năm của Thủ tướng Olaf Scholz gặp nhiều khó khăn. Được biết đây là mục tiêu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu nhà ở tại một số thành phố lớn nhất nước Đức.

Nước Đức chao đảo với bất động sản. Ảnh: The Financial Times
Nước Đức chao đảo với bất động sản. Ảnh: The Financial Times

Tuần này, chính phủ liên bang sẽ làm việc cùng với các tiểu bang về việc cắt giảm các thủ tục, quy định xây dựng nhà ở nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công nhà. Mặc dù đây được xem là một bước đi đúng đắn, các đại diện của ngành vẫn lo ngại về sự kịp thời và quyết liệt của các biện pháp này.

Tim-Oliver Müller, giám đốc điều hành của Liên đoàn Xây dựng Đức (HDB), cho biết: “Theo kinh nghiệm trong quá khứ, chúng tôi chắc rằng các biện pháp này sẽ không thể nhanh chóng triển khai do cấu trúc liên bang quá phức tạp”.

Sau một thập kỷ bùng nổ ngành bất động sản do nhu cầu nhà ở mạnh, lãi suất thấp và chi phí nguyên liệu thô thấp, các công ty xây dựng Đức giờ đây đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn diện.

Lĩnh vực bất động sản của nền kinh tế số một châu Âu đang chảo đảo bởi chi phí nguyên liệu thô quá cao – hơn 40% trước đại dịch - và chính sách tăng lãi suất liên tục của Ngân hàng Trung ương châu Âu trong 10 tháng liên tiếp. Bất chấp tình trạng thiếu nhà ở vẫn xảy ra ở hầu hết các thành phố lớn, người dân không dám mua nhà do lãi suất vay quá cao.

Sụt giảm niềm tin nghiêm trọng đang đẩy thị trường bất động sản Đức đến bờ vực. Hiện, giá nhà đã giảm 10% so với cùng kỳ trong quý 2. Trong tháng 10, số lượng hủy bỏ các dự án nhà ở đã đạt đỉnh điểm với việc 22,2% công ty thông báo tình trạng này – nhiều nhất kể từ năm 1991.

Klaus Wohlrabe, chuyên gia tại Viện nghiên cứu kinh tế Ifo cho biết: Mọi chuyện đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Số lượng các công ty mới trong lĩnh vực xây dựng nhà ở rất thấp cũng như lượng đặt hàng tồn đọng đang giảm dần.

Trái ngược với giai đoạn từ 2015 đến đầu 2022 đầy ấn tượng khi số lượng nhà ở ghi nhận mức tăng 16% và giá nhà đã tăng đến 66%, những khó khăn trong lĩnh vực này ở thời điểm hiện tại khiến Đức rớt xuống vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng các nền kinh tế hàng đầu của IMF.

Susannah Streeter, chuyên gia tại công ty quản lý tài sản Hargreaves Lansdown, cho biết: “Do là một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Đức, bất động sản khủng hoảng sẽ dẫn đến những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng”.

Ngay cả những ông lớn trong lĩnh vực xây dựng nhà ở cũng đang đứng ngồi không yên.

Sabine Brockschnieder, giám đốc điều hành của Tập đoàn Baumann – công ty với kinh nghiệm hơn 100 năm xây dựng phòng tắm và nhà bếp cho người Đức, cho biết hiếm có thời điểm nào khó khăn hơn hiện tại.

Ông cho biết rằng các công ty nhỏ sẽ gặp khó khăn do doanh số bán hàng giảm và chi phí tăng cao, đồng thời tiết lộ rằng đơn đặt hàng của công ty mình đã giảm 15% so với một năm trước.

Chi phí gia tăng và nhu cầu giảm mạnh buộc Baumann phải cắt giảm nhân viên và cho một số người nghỉ phép tạm thời.

“Thật không may chúng tôi buộc phải cắt giảm nhân công do dự báo tình hình năm tới sẽ còn tồi tệ hơn” – Ông Brockschnieder chia sẻ.

Trước tình hình trên, các công ty trong lĩnh vực này hi vọng chính phủ liên bang sẽ can thiệp kịp thời trước khi mọi việc ngày càng nghiêm trọng hơn.

Vào tháng 9, các công ty bất động sản đã đồng ý với kế hoạch hành động 14 điểm của chính phủ Đức, bao gồm một số chính sách như: các ưu đãi về thuế, các khoản trợ cấp hay đơn giản hóa các thủ tục thông qua, phê duyệt.