Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khủng hoảng của thời điểm chuyển giao?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày này, khắp nơi trên thế giới đột nhiên cùng chứng kiến tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng: Các trạm xăng ở Anh cạn kiệt; giá khí đốt tăng vọt ở EU khi mùa Đông cận kề; các nhà máy tại Trung Quốc thu hẹp sản xuất vì bị cắt điện liên tục. Và theo giới phân tích, đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Đại dịch và “sự trả thù của nền kinh tế cũ”
Việc cắt điện liên tục chưa từng có ở miền Đông Bắc lạnh giá của Trung Quốc đã khiến hàng triệu người không có điện, giữa tháng 9 với nhiệt độ trung bình ngày vào khoảng 10 độ C. Các nhà máy ở loạt “đầu tàu kinh tế” của quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, như các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông đã phải ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất vì lệnh cắt giảm tiêu thụ điện của chính quyền địa phương. Goldman Sachs ước tính có tới 44% hoạt động công nghiệp của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu điện, tác động xấu đến GDP của nước này và đe dọa lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ở bên kia bán cầu, biển báo “xin lỗi vì hết hàng” đã trở nên phổ biến tại các trạm xăng trên khắp Vương quốc Anh trong tuần này, trong khi không dưới một chục công ty năng lượng của nước này phải tuyên bố phá sản vì giá khí đốt tự nhiên tăng chóng mặt. Cũng vì giá năng lượng quá cao, các siêu thị ở Anh được cảnh báo có thể đối mặt với tình trạng thiếu thịt và các thực phẩm tươi sống khác trong vòng vài tuần tới, khi mà hoạt động sản xuất lương thực bắt buộc phải sử dụng CO2.
 Hệ thống đèn giao thông ngừng hoạt động vì mất điện ở Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc), dẫn đến tắc đường nghiêm trọng hôm 23/9. Ảnh: SCMP/Weibo
Trên khắp Liên minh châu Âu (EU), hóa đơn điện và gas cũng đang phá kỷ lục, làm dấy lên lo ngại về một mùa Đông khó khăn sắp tới, khi nhu cầu sưởi ấm của các hộ gia đình sẽ đẩy mức tiêu thụ lên cao điểm. Thủ tướng Tây Ban Nha mới đây đã thông báo giảm thuế và cắt một phần lợi nhuận đột biến của các công ty năng lượng để hỗ trợ người tiêu dùng. Italia cũng chi 1,2 tỷ euro để giảm giá điện cho các hộ gia đình và hứa sẽ chi 3 tỷ euro nữa để giúp đỡ người tiêu dùng trong những tháng tới. Pháp trợ cấp 100 euro cho mỗi gia đình thu nhập thấp, áp dụng trên tổng số gần 6 triệu hộ.

Đại dịch Covid-19 rõ ràng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay, và là điều đã được báo động trong suốt thời gian qua. Sau 18 tháng giãn cách xã hội và đóng cửa nền kinh tế khắp mọi nơi để chống dịch, nhu cầu năng lượng của người tiêu dùng và các nhà máy đang tăng trở lại trong khi sản xuất và chuỗi cung ứng nói chung chưa thể phục hồi hoàn toàn. Nhưng nếu chỉ vì nguyên nhân này, sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng sẽ chỉ là tạm thời.

Báo cáo Thị trường Dầu mỏ hàng tháng công bố hôm 14/9 vừa qua của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, nhu cầu dầu toàn cầu đã giảm kể từ tháng 7, khi các trường hợp nhiễm Covid-19 tăng lên dẫn đến hạn chế di chuyển ở châu Á. Hiện đã có những dấu hiệu cho thấy nguy cơ dịch bệnh nghiêm trọng đang giảm bớt, và IEA dự kiến nhu cầu dầu sẽ tăng mạnh lên 1,6 triệu thùng/ngày vào tháng 10 tới, và đà tăng sẽ tiếp tục cho đến cuối năm nay. Với việc giá dầu thô phá mức 80 USD/thùng trong tuần này là lần đầu tiên sau 3 năm, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia đồng minh (OPEC+) dự kiến sẽ họp vào tuần tới để quyết định về khả năng tăng sản xuất dự phòng, giúp kiềm chế giá cả.

Tuy nhiên, giới chuyên gia đã nhận định, nguyên nhân cốt lõi khiến cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay có thể trở nên sâu rộng và có nguy cơ “tái phát” cao chính là việc các quốc gia không quan tâm đúng mực đến nhiên liệu hóa thạch. “Khí đốt, than đá, dầu mỏ, kim loại đã được khai thác và sử dụng theo cách thức rất thiếu đầu tư”, Jeff Currie - chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Goldman Sachs - nói với Bloomberg, và gọi diễn biến lúc này là “sự trả thù của nền kinh tế cũ”.

Câu hỏi đặt ra là liệu cuộc khủng hoảng lúc này có thể khiến các quốc gia từ bỏ mục tiêu xây dựng nền kinh tế “xanh”, bền vững đã đặt ra, khi có khả năng phải trở lại với những nhiên liệu "bẩn" mà họ đã và đang nỗ lực thay thế?

Giai đoạn chuyển đổi đầy thách thức

Forbes dẫn lời Joost Bergsma - chuyên gia về năng lượng tái tạo tại Glennmont Partners - nhận định, công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế mới, chủ yếu sử dụng năng lượng sạch từ gió, mặt trời…, sẽ là vô cùng trắc trở. “Thế giới chắc chắn sẽ sử dụng nhiều năng lượng tái tạo hơn, nhưng mọi người phải nhận thức được rủi ro và những biến động mạnh liên quan đến nó” - ông Bergsma nói.

Trong trường hợp của Vương quốc Anh, nước này trong quá khứ thường dựa vào các mỏ khí đốt của mình trên biển Bắc mà không cần dự trữ nhiều như các nước châu Âu còn lại. Tuy nhiên vì công suất khai thác giảm, Anh quyết định tăng sản xuất năng lượng tái tạo để duy trì sự độc lập về năng lượng, đặc biệt là điện gió ngoài khơi biển Bắc. Điều này cũng giúp quốc gia đạt nhiều thành tích về cắt giảm sử dụng điện than.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, vì loại bỏ điện than, Anh lại trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường khí đốt quốc tế. Khi giá khí đốt ở mức thấp và trung bình điện gió chiếm 25% tổng năng lượng nước này sử dụng trong năm 2020, không mấy ai quan tâm đến vấn đề này. Chỉ đến mùa Hè vừa qua, khi con số giảm xuống chỉ còn 7% và giá khí đốt tăng vọt, Anh ngay lập tức gặp rắc rối.

Và đôi khi đơn giản là nỗ lực vẫn chưa đủ. Chẳng hạn, Trung Quốc đã nổi lên là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về đầu tư “điện sạch” sau khi chi 127 tỷ USD vào năng lượng tái tạo hồi năm ngoái, góp phần vào tham vọng “trung hòa carbon” vào năm 2060. Nhưng bất chấp nỗ lực này, Trung Quốc hiện vẫn là nước sử dụng nhiều than hơn phần còn lại của thế giới cộng lại. Nguồn cung than giảm vì xu hướng toàn cầu và mâu thuẫn thương mại với Australia, Trung Quốc - cũng là nhà sản xuất than lớn nhất thế giới - vẫn đang cố gắng dự trữ loại nguyên liệu hóa thạch này hơn nữa, khiến giá cả càng tăng cao.

Nếu như những chi phí phụ trội nhanh chóng được chuyển vào hóa đơn của người tiêu dùng ở Anh hay các nước EU, giá điện ở Trung Quốc là do nhà nước ấn định, khiến nhiều công ty điện đang thua lỗ và trở nên do dự trong việc thúc đẩy sản xuất để đáp ứng nhu cầu hiện tại, khó tránh khỏi việc phải cắt điện. Để thấy, dù bằng cách nào, những tính toán sai lầm trong chính sách năng lượng quốc gia cũng đang đè nặng lên người dân - được tin là bên chịu tổn thất lớn nhất trong cuộc khủng hoảng hiện nay.

Một yếu tố mang tính thời điểm khác cũng là nguyên nhân khiến Anh vật lộn với “cơn khát” xăng lúc này: Brexit. Thiếu các công ty vận tải để phân phối nhiên liệu từ các nhà máy lọc dầu đến các nhà bán lẻ đang là một trong những tác động phụ bất ngờ của việc Anh rời khỏi EU, đi cùng với tình trạng trì hoãn cấp chứng nhận lái xe tải và đào tạo do đại dịch. Chính phủ London hiện đã cấp thị thực tạm thời cho hàng nghìn tài xế xe tải nước ngoài để thúc đẩy việc tiếp nhiên liệu, đồng thời điều quân đội túc trực để hỗ trợ nhằm lập lại trật tự tại các trạm xăng, trước khi kỳ nghỉ lễ cuối năm bắt đầu.

"Khí đốt, than đá, dầu mỏ, kim loại đã được khai thác và sử dụng theo cách thức rất thiếu đầu tư." - Chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Goldman Sachs Jeff Currie