Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 9/11, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã kêu gọi các nước Liên minh châu Âu (EU) tránh các tiêu chuẩn kép trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tại biên giới Belarus với Ba Lan và Litva.
Ngoại trưởng Lavrov nhắc đến vấn đề người tị nạn ở biên giới châu Âu và cho rằng chính châu Âu đang hành xử kiểu "tiêu chuẩn kép".
Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Nga, khi những người tị nạn đến châu Âu từ Thổ Nhĩ Kỳ, EU đã cấp kinh phí để giữ họ ở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng đến khi người tị nạn đến từ Belarus, EU đã tìm cách để trừng phạt Minsk. "Tại sao họ không thể giúp Belarus như vậy? Belarus cũng cần tiền để đảm bảo điều kiện bình thường cho những người tị nạn. Litva và Ba Lan miễn cưỡng chấp nhận. Những người này không muốn ở lại Belarus hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, họ muốn đến châu Âu, nơi đã quảng cáo về lối sống của mình trong nhiều năm rồi. Người ta phải chịu trách nhiệm về hành động của mình" - ông Lavrov nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Lavrov lưu ý thêm rằng giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus với Ba Lan và Litva, cần hoàn toàn tôn trọng các nguyên tắc của luật nhân đạo quốc tế.
Theo Bộ trưởng Lavrov, cuộc khủng hoảng này xuất phát từ chính sách mà các nước NATO và EU theo đuổi ở Trung Đông và Bắc Phi trong nhiều năm, cố gắng áp đặt một cuộc sống tốt đẹp hơn và tầm nhìn của phương Tây về nền dân chủ cho họ. “Syria đã trở thành nạn nhân của chính sách này” - ông Lavrov cho hay.
Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh rằng, trách nhiệm chính trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư thuộc về những người đã tạo điều kiện cho cuộc khủng hoảng này bùng phát.
Hơn 30.000 người di cư đã cố gắng vượt qua biên giới Ba Lan-Belarus kể từ đầu năm đến nay. Cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus với Latvia, Litva và Ba Lan đã trở nên căng thẳng vào ngày 8/11. Vài nghìn người từ phía Belarus đến biên giới Ba Lan và không rời khỏi khu vực biên giới, một số người trong số họ đã cố gắng lọt vào lãnh thổ của Ba Lan, phá vỡ hàng rào thép gai.
Ba Lan không muốn thu nhận những người tị nạn bởi sẽ tạo thành vấn đề an ninh nghiêm trọng ở nước họ cũng như ở biên giới của EU. Warsaw đã dựng lên hàng rào dây thép gai ở biên giới với Belarus và mong muốn châu Âu trả khoản tiền cho việc xây dựng "bức tường" kiên cố hơn để ngăn chặn người tị nạn. Ba Lan cũng áp đặt tình trạng khẩn cấp tại các khu vực giáp biên giới với Belarus, tăng cường lực lượng quân đội với hơn 10.000 người tại khu vực gần biên giới với Belarus trong bối cảnh cuộc khủng hoảng leo thang hiện nay.