Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khủng hoảng Evergrande đáng lo cỡ nào?

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc tập đoàn bất động sản Trung Quốc sở hữu khoản nợ 300 tỷ USD (chiếm 84% tổng tài sản) và đang đứng trước bờ vực vỡ nợ, có thể đe dọa hệ thống tài chính toàn cầu.

Nỗ lo từ khoản nợ 300 tỷ USD
Evergrande hiện là nỗi lo tài chính lớn nhất ở Trung Quốc và đang nhanh chóng lan rộng ra phạm vi toàn cầu. Hiện tại, tập đoàn bất động sản khổng lồ này đang có khoản nợ 300 tỷ USD (chiếm 84% tổng tài sản) và đứng trước bờ vực vỡ nợ.  
Với quy mô khoảng 1.300 dự án tại hơn 280 thành phố, phạm vi ảnh hưởng của Tập đoàn này không chỉ dừng lại ở lĩnh vực bất động sản. Tỷ phú Hui Ka Yan – chủ sở hữu tập đoàn này tham dự cả vào nhiều khu vực khác từ sản xuất xe điện, pương tiện truyền thông, nước khoáng và bóng đá.
 Tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Ảnh: CNN
Tai ương của tập đoàn bắt đầu vỡ lở vào năm 2020, khi Evergrande được cho là gửi một lá thư tới chính quyền tỉnh Quảng Đông, cảnh báo giới chức về nguy cơ vỡ nợ tiềm ẩn.  Evergrande sau đó đã phản bác tính xác thực của bức thư và cuộc khủng hoảng đã được ngăn chặn khi một nhóm nhà đầu tư hoàn trả 13 tỷ USD. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khoản nợ chuẩn bị đáo hạn và lần này sẽ khó có cửa vớt cho tập đoàn này.
Vậy điều gì có thể cứu Evergrande thoát khỏi vòng xoáy này? Theo Bloombeg, các nhà đầu tư trên khắp thế giới đang nín thở để xem liệu chính phủ Trung Quốc sẽ can thiệp và đưa ra gói cứu trợ hay yêu cầu tái cấu trúc tập đoàn, hay chấp nhận để Evergrande “tự sinh tự diệt”, việc nguy cơ khiến Evergrande sụp đổ và đem lại nhiều hỗn loạn.
Vì sao vụ việc Evergrande đáng lo ngại?
Theo hãng tin CNBC, thị trường bất động sản Trung Quốc hiện đang vô cùng áp lực trước nguy cơ đổ vỡ hàng loạt từ vụ nợ của Evergrande. Các ngân hàng đã liên tục giãn nợ cho hàng loạt công trình dang dở của Evergrande trong khi những tổ chức xếp hạng tín dụng liên tục hạ mức xếp hạng của công ty này.
Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi Trung Quốc siết chặt các quy định về vay vốn trên thị trường bất động sản, bao gồm việc đặt mức trần vay vốn cho các doanh nghiệp dựa trên dòng tiền, tổng tài sản và tình hình kinh doanh. Chuyên gia Jenny Zheng của Alliance Bernstein cho biết việc phá sản của Evergrande có thể gây nên sự đổ vỡ hàng loạt của những doanh nghiệp bất động sản khác, qua đó ảnh hưởng đến các mảng kinh tế liên quan. "Khi sự đổ vỡ bắt đầu thì chính phủ sẽ phải tốn nhiều công sức ngăn chặn hơn so với việc phòng chống nguy cơ này ngay từ đầu", chuyên gia Zheng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bloomberg cho biết các nhà đầu tư cổ phiếu và cơ quan xếp hạng dự đoán nguy cơ Evergrande vỡ nợ rất cao, trong khi việc tái cơ cấu nợ gần như không thể tránh khỏi. Các thị trường chứng khoán trên toàn cầu đã dần cảm nhận được xung lực từ vụ việc, khiến một số doanh nghiệp không có mối liên hệ với Trung Quốc cũng bắt đầu thiệt hại.
Nếu Bắc Kinh không có biện pháp can thiệp, thảm họa Evergrand có thể sẽ mang đến những hậu quả nặng nề cho nền kinh tế Trung Quốc. Các biện pháp kiểm soát tích cực nhằm hạn chế sự bùng phát của Covid-19 đã và đang làm tổn hại đến chi tiêu bán lẻ và du lịch ở Trung Quốc, trong khi các biện pháp hạ nhiệt giá nhà đang bị ảnh hưởng. Sự điều chỉnh trên thị trường bất động sản của Trung Quốc, bao gồm 28% nền kinh tế Trung Quốc và 40% tài sản hộ gia đình, gây rủi ro cho sự ổn định xã hội.
Trong trường hợp xấu nhất, căng thẳng liên quan đến Evergrande có thể lan rộng khắp hệ thống tài chính của thế giới và đóng băng thị trường tín dụng toàn cầu. Điều này gợi nhớ đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 mà Bloomberg nhận định là “thời điểm Lehman” của Trung Quốc,kéo theo toàn cầu. Trong đó có sự sụp đổ của bất động sản, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, lương giảm và suy thoái kinh tế kéo dài. Tất nhiên, Trung Quốc có rất nhiều công cụ để ngăn chặn điều đó và phần lớn Phố Wall tin rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng chúng nếu cần thiết.