Khủng hoảng ngân hàng đe dọa kinh tế toàn cầu

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo IMF đồng thời cảnh báo rằng sự chia rẽ giữa các nền kinh tế lớn có thể dẫn tới cạnh tranh và khiến "mọi người trở nên nghèo hơn và kém an toàn hơn”.

Tổng giám đốc  IMF Kristalina Georgieva. Ảnh: CNBC
Tổng giám đốc  IMF Kristalina Georgieva. Ảnh: CNBC

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, đánh giá rằng rủi ro đối với sự ổn định tài chính đang tăng lên, đồng thời kêu gọi các quốc gia tiếp tục cảnh giác mặc dù sự can thiệp kịp thời của các nền kinh tế lớn đã hạ nhiệt phần nào cuộc khủng hoảng ngân hàng.

Phát biểu tại Diễn đàn phát triển Trung Quốc (CDF) ở Bắc Kinh ngày 26/3, bà Georgieva cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt nhiều yếu tố rủi ro về ổn định tài chính sau vụ phá sản gần đây của ngân hàng Mỹ Silicon Valley Bank (SVB) và việc chính phủ Thụy Sĩ làm trung gian giải cứu Credit Suisse.

Người đứng đầu IMF cho biết lãi suất tăng cao đã gây áp lực lên các khoản nợ, dẫn đến “căng thẳng” ở các nền kinh tế hàng đầu thế giới, đặc biệt trong  lĩnh vực ngân hàng. 

“Vào thời điểm mức nợ cao hơn, quá trình chuyển đổi nhanh chóng từ thời kỳ lãi suất thấp kéo dài sang chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ là cần thiết để chống lại lạm phát. Tuy nhiên, quá trình này chắc chắn gây ra những khó khăn và gia tăng bất ổn đối với kinh tế thế giới. Những khủng hoảng gần đây trong lĩnh vực ngân hàng tại một số nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới là minh chứng cho điều này” - Theguardian trích phát biểu của bà Georgieva.

Tổng giám đốc Georgieva nói rằng các nhà hoạch định chính sách ở các nền kinh tế tiên tiến đã phản ứng dứt khoát với rủi ro ổn định tài chính sau sự sụp đổ của các ngân hàng. Theo lãnh đạo IMF, những hành động này đã phần nào xoa dịu thị trường, nhưng những bất ổn về tài chính vẫn đang ở mức cao và cần luôn luôn duy trì cảnh giác. Bà nêu rõ trong bài phát biểu: “Chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến và đang đánh giá những tác động tiềm ẩn đối với triển vọng kinh tế toàn cầu và sự ổn định tài chính toàn cầu”.

Trong lần xuất hiện mới nhất, bà Georgieva nhận định, năm 2023 tiếp tục là một năm nhiều khó khăn và thách thức, đồng thời dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống dưới 3% do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine, chính sách thắt chặt tiền tệ và những hậu quả của đại dịch Covid-19.

Theo Tổng giám đốc IMF, triển vọng về kinh tế toàn cầu vẫn sẽ ở mức yếu trong trung hạn. Thậm chí, tới năm 2024, khi triển vọng tăng trưởng khả quan hơn, tăng trưởng toàn cầu dự kiến được IMF đưa ra cũng là dưới mức trung bình lịch sử 3,8%.

Đồng thời, bà Georgieva cảnh báo rằng sự chia rẽ giữa các nền kinh tế lớn có thể dẫn tới cạnh tranh và khiến "mọi người trở nên nghèo hơn và kém an toàn hơn”.

Tổng giám đốc IMF cũng đề cập tới sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc như một điểm sáng của kinh tế thế giới hiện nay. IMF dự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm nay, chủ yếu nhờ phục hồi trong lĩnh vực tiêu dùng cá nhân khi nước này mở cửa trở lại sau Covid-19. Bà dự báo đà phục hồi mạnh mẽ này sẽ giúp Trung Quốc đóng góp khoảng 1/3 vào sự tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023, mang lại động lực cần thiết để nâng đỡ cho nền kinh tế thế giới.

Những bình luận trên đã được đưa ra trong bối cảnh lĩnh vực tài chính thế giới đang gặp nhiều bất ổn vì vụ phá sản của ngân hàng SVB và một số ngân hàng khác ở Mỹ, hay sự sụp đổ của ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ - Credit Suisse, sau đó được ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ, cũng là đối thủ là UBS mua lại. Những sự cố này đã xảy ra chỉ trong một thời gian ngắn khiến cho ngày càng nhiều người lo ngại nguy cơ xảy ra hiệu ứng dây chuyền trong hệ thống ngân hàng.

Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, cổ phiếu của Ngân hàng Đức Deutsche bị bán tháo và lao dốc tới 14% khiến Thủ tướng Olaf Scholz lên tiếng trấn an nhà đầu tư. Theo Thủ tướng Scholz, ngân hàng Deutsche đã tiến hành “tái cấu trúc và hiện đại hóa mô hình kinh doanh để có lãi lớn”, do đó không cần lo lắng về tương lai ngân hàng này.

Phó chủ tịch ECB, Luis de Guindos, nói với Business Post hôm 26/3 rằng ngân hàng trung ương EU lo ngại những biến động trong lĩnh vực ngân hàng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Trong khi đó, phát biểu với Reuters ngày 27/3, ông Shayne Elliott, Giám đốc điều hành của ANZ - ngân hàng lớn thứ ba tại Australia, cảnh báo, tình trạng bất ổn hiện tại của hệ thống ngân hàng toàn cầu có nguy cơ cao dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính tương tự vào năm 2008.

Ông  Shayne Elliott, Giám đốc điều hành của ANZ. Ảnh: Bloomberg
Ông  Shayne Elliott, Giám đốc điều hành của ANZ. Ảnh: Bloomberg

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần