Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở nước Anh về việc nước này tiếp tục ở lại trong EU (Remain) hay ra khỏi EU (Brexit) làm hài lòng 51,9 triệu cử tri Anh và những đảng phái chính trị, tổ chức trong xã hội ở Anh xưa nay vốn không thân thiện với việc gắn số phận và tương lai của đảo quốc này vào châu Âu lục địa. Trong thực chất, nó là kịch bản tồi tệ nhất đối với tương lai của nước Anh và EU. Nó sẽ làm đảo quốc này và EU rồi đây phải thay đổi rất cơ bản và sâu sắc.
Thủ tướng Anh David Cameron không còn sự lựa chọn nào khác ngoài phải từ chức để người kế nhiệm đứng ra đàm phán với EU về việc nước Anh ra khỏi EU và về thời kỳ quan hệ mới giữa nước Anh và EU. Chính trường và nội bộ xã hội nước Anh tiếp tục bị phân hoá sâu sắc. Sau khủng hoảng chính phủ sẽ là khủng hoảng kinh tế và rất có thể cả tiền tệ ở nước này. Quan hệ của Anh với tất cả những đối tác bên ngoài xưa nay vẫn trù liệu nước Anh là bộ phận của EU và là một cửa ngõ giúp họ tiếp cận và thâm nhập vào EU rồi cũng đều sẽ thay đổi từ cơ bản đến hoàn toàn. Nước Anh sẽ không thể tránh khỏi việc vì Brexit mà xứ Scottland và Bắc Ireland sẽ tăng cường nỗ lực độc lập và tách ra khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Nước Anh sẽ phải đối phó với thêm nhiều khó khăn phức tạp mới chứ không phải bớt đi được. Ông Cameron đã phải trả giá rất đắt cho việc chơi canh bạc đầy mạo hiểm với cuộc trưng cầu dân ý này, lặp lại những suy tính và cách làm của thủ tướng Harold Wilson thuộc Công đảng Anh với cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/6/1975 về nước Anh, khi đó mới được kết nạp vào Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC, tiền thân của EU ngày nay) từ 1/1/1973, ở lại hay ra khỏi EEC, nhưng không thành công như ông Wilson. EU đã làm tất cả để cứu vãn và xoay chuyển tình thế nhưng cũng không thành công, giờ mất không chỉ một trong những thành viên lớn mà còn cả uy danh và thể diện, cả lòng tin vào tương lai chung cũng như sự đảm bảo rằng những thành quả phát triển đã đạt được vững chắc đến mức không còn có thể bị đảo ngược.