70 năm giải phóng Thủ đô

Kích cầu tiêu dùng nội địa để tăng trưởng kinh tế

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường nội địa vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác, ưu tiên kích cầu tiêu dùng trong nước được coi là giải pháp quan trọng để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm.

Vì vậy, trước mắt, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung đẩy mạnh tiêu dùng hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024 bằng nhiều hoạt động kích cầu đi đôi với bình ổn thị trường.

Nguồn cung hàng hóa dồi dào, thị trường bình ổn


Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, thị trường hàng hóa trong nước tháng 10/2023 đã sôi động hơn khi nhu cầu hàng may mặc, trang thiết bị gia đình tăng vào giai đoạn chuyển mùa.

Các hệ thống phân phối bán lẻ thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng tiêu dùng trong dịp lễ hội cuối năm nhằm thúc đẩy tiêu dùng. Nguồn cung hàng hóa lương thực, thực phẩm cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu. Riêng tại các tỉnh miền Trung, do ảnh hưởng của mưa bão khiến nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng, vận chuyển khó khăn nên nguồn cung giảm khiến giá rau xanh, củ, quả các loại có xu hướng tăng cao. Giá các loại thóc, gạo nguyên liệu phục vụ xuất khẩu tăng trở lại.

Các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng giá điều chỉnh theo giá thế giới; giá các mặt hàng khác không có nhiều biến động.

Để chuẩn bị nguồn cung hàng hóa trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024 khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, Bộ Công Thương đang xây dựng Chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Hiện nay, nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Giáp Thìn 2024 nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân tốt nhất với giá cả bình ổn.

Người tiêu dùng mua sắm tại trung tâm thương mại trên địa bàn quận Long Biên. Ảnh: Phạm Hùng
Người tiêu dùng mua sắm tại trung tâm thương mại trên địa bàn quận Long Biên. Ảnh: Phạm Hùng

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan chia sẻ, sở đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất, DN kinh doanh các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất, bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng ít nhất 30% ngoài kế hoạch của TP giao. Khi nhu cầu thị trường tăng cao có thể gây ra tình trạng tăng giá đột biến.

Do đó, Hà Nội đang tập trung triển khai thực hiện Chương trình Bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Các DN tham gia chương trình đã cam kết bình ổn giá hàng hóa, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng như gạo, thịt lợn, thủy, hải sản...

Còn tại TP Hồ Chí Minh, để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm, Sở Công Thương đã phối hợp với các DN phân phối xây dựng kế hoạch bình ổn các mặt hàng thiết yếu để chuẩn bị cho dịp Tết Giáp Thìn 2024. Bên cạnh đó, TP đang triển khai Chương trình Bình ổn thị trường năm 2023 - Tết Giáp Thìn năm 2024 gắn liền với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Chương trình áp dụng cho 11 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, với khoảng 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh tham gia lượng hàng bình ổn chiếm từ 23 - 31% nhu cầu thị trường.

Nhận định về thị trường nội địa dịp cuối năm và Tết Giáp Thìn năm 2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, nhu cầu tiêu dùng của người dân theo thông lệ sẽ tăng lên trong những ngày giáp Tết, tuy nhiên, nhu cầu mua tích trữ hàng hóa giảm dần do sự phát triển của hệ thống phân phối và thay đổi thói quen tiêu dùng.

Do đó, với sự chuẩn bị nguồn hàng dồi dào của các DN, công tác chỉ đạo, điều hành cùng với chương trình bình ổn thị trường tại nhiều địa phương sẽ bảo đảm ổn định thị trường, đáp ứng nhu cầu người dân.

 

 

Để đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, từ tháng 7/2023, thuế giá trị gia tăng (VAT) được giảm từ 10% xuống còn 8% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội đối với nhiều mặt hàng. Đây được coi là giải pháp giúp kích thích chi tiêu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP. Bởi, giảm thuế VAT sẽ giúp giảm chi phí trực tiếp cho người mua hàng; người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các DN sản xuất, kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc



Thời điểm này, Bộ Công Thương đang tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương, nhất là tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động.

Trong tháng 10/2023, Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ NN&PTNT về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, chú trọng tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ, quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết. Cùng với đó, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương kịp thời xử lý các khó khăn trong lưu thông, phân phối hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trong trường hợp có diễn biến bất thường.

Kích cầu tiêu dùng nội địa, vực dậy nền kinh tế


Nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội trong bối cảnh biến động của địa chính trị và kinh tế thế giới diễn ra phức tạp, nhiều khó khăn thách thức sẽ tiếp tục tạo ra những thuận lợi trong thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thời gian tới. Các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và thời gian tới.

Điểm đáng ghi nhận, Chính phủ đã và sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong năm 2023, nhất là trong những tháng cuối năm sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí.

Theo đó, giải ngân đầu tư công sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, từ đó góp phần quan trọng kích cầu và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước. Bên cạnh đó, nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN tiếp tục được triển khai tích cực là những điều kiện thuận lợi hỗ trợ DN khôi phục và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 

Nhằm đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, Bộ Công Thương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Cùng với đó, đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

 

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới lỏng chính sách tiền tệ, đã điều hành nhiều đợt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sẽ có tác động tích cực thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong những tháng cuối năm. Mặt khác, các Hiệp định FTA đang có với các đối tác thị trường lớn của Việt Nam như thị trường châu Âu, châu Mỹ tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư và đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy vậy, các DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong phục hồi sản xuất, kinh doanh, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá, rủi ro về tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu trong nước.

Từ những rủi ro, thách thức này, đòi hỏi ngành Công Thương theo dõi chặt chẽ tình hình biến động cung cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước để sẵn sàng các phương án, giải pháp ứng phó kịp thời nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra của ngành.

Theo các chuyên gia kinh tế, với quy mô 100 triệu dân, mức sống người dân ngày càng gia tăng nên thị trường nội địa cũng là “miếng bánh” hấp dẫn để DN khai thác trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu. Tuy nhiên, yêu cầu của người tiêu dùng nội địa cũng ngày càng khắt khe, đòi hỏi hàng Việt phải giá cả cạnh tranh hàng ngoại nhập trong khi chất lượng tương đương.

Vì vậy, với nhiều DN để quay trở lại sân nhà đòi hỏi Nhà nước có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, xây dựng mối liên kết với nhà bán lẻ, qua đó kích thích tiêu dùng, khôi phục và ổn định kinh tế.

 

Chỉ khi DN bán được hàng mới có tiền quay vòng sản xuất, chi trả lương cho người lao động, từ đó tác động trở lại đến tiêu dùng trong nước, giúp kinh tế hồi phục. Do đó, muốn kích cầu thị trường nội địa cần xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, tạo ra mối liên kết giữa các DN, địa phương để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

 

TS Nguyễn Minh Phong khuyến nghị, để DN đưa ra sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng, Bộ Công Thương nên tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, qua đó DN có nhiều cơ hội quảng bá sản phẩm tới khách hàng. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ DN thủ tục thuê mặt bằng, tổ chức các chương trình bình ổn giá, giúp vay vốn với lãi suất ưu đãi…

Bởi thực tế, nhiều DN trong quá trình quay lại thị trường nội địa vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối hợp tác tiêu thụ với chuỗi bán lẻ. Do vậy, DN rất cần sự giúp đỡ của cơ quan quản lý trong việc tạo mối liên kết xây dựng chuỗi tiêu thụ.