Kiềm chế Omicron: Thái Lan bỏ nhập cảnh miễn cách ly, Israel tiêm liều vaccine thứ 4

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một số các quốc gia châu Á Thái Bình Dương bắt đầu siết chặt đi lại và bổ sung liều vaccine trong nỗ lực ứng phó với biến thể Omicron.

Thái Lan sẽ khôi phục việc cách ly bắt buộc đối với người nước ngoài nhập cảnh do lo ngại về sự lây lan của biến thể Omicron của virus SARS-CoV2.
Quyết định ngừng từ bỏ chương trình nhập cảnh miễn cách ly mang tên "Xét nghiệm và Trải nghiệm” của Thái Lan đồng nghĩa là du khách đến nước này sẽ phải cách ly tại khách sạn, từ 7 đến 10 ngày.
 Du khách nhập cảnh tại sân bay tại Thái Lan. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, một chương trình du lịch khép kín - gọi là "hộp cát", yêu cầu du khách ở lại một địa điểm cụ thể, cũng sẽ bị đình chỉ ở tất cả các nơi, ngoại trừ đảo nghỉ dưỡng du lịch Phuket.
Phó phát ngôn viên chính phủ Rachada Dhanadirek cho biết: “Sau ngày 21/12, Thái Lan sẽ không nhận yêu cầu mới tham chương trình “Xét nghiệm và Trải nghiệm”, thay vào đó du khách sẽ phải cách ly hoặc du lịch khép kín tại Phuket.
Thông báo được đưa ra một ngày sau khi Thái Lan ghi nhận ca nhiễm Omicron đầu tiên trong cộng đồng. Việc này diễn ra vài tuần sau khi Thái Lan mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài vào tháng 11 - chấm dứt gần 18 tháng duy trì chính sách nhập cảnh nghiêm ngặt đã góp phần làm sụp đổ du lịch - ngành công nghiệp chủ chốt và động lực kinh tế của Thái Lan vốn thu hút 40 triệu du khách vào năm 2019.
Người phát ngôn chính phủ Thanakorn Wangboonkongchana cho biết, khoảng 200.000 du khách trước đây đã đăng ký chương trình miễn cách ly và du lịch khép kín vẫn sẽ được triển khai theo quy định cũ.Ông nói thêm rằng quyết định sẽ được xem xét vào ngày 4/1 tới.
Hôm 21/12, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết nước này sẽ yêu cầu những ai tiếp xúc gần với người mắc biến thể Omicron phải cách ly trong 14 ngày tại các cơ sở được chỉ định.
Nhật Bản cũng sẽ duy trì lệnh cấm nhập cảnh hiện tại trong thời gian nghỉ lễ năm mới, trong khi các nhà khoa học tiếp tục đánh giá mối đe dọa của Omicron.
 Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: Reuters
"Chúng tôi sẽ yêu cầu họ ở lại, không phải ở nhà, mà tại các cơ sở được chỉ định", ông Kishida nói trong một cuộc họp báo. Tuy nhiên, yêu cầu trên chưa được ban hành thành lệnh và một số vẫn chọn cách ly tại nhà.
Ông Kishida để ngỏ khả năng xem xét các biện pháp kiểm soát chặt chẽ khi có sự rõ ràng hơn về Omicron, đồng thời nhấn mạnh, "Chúng ta nên hành động, giả sử tình huống xấu nhất."
Hôm 21/12, Israel đã thông báo rằng quyết định tiêm liều vaccine phòng Covid-19 thứ 4 cho những người trên 60 tuổi, trong bối cảnh lo ngại về sự lây lan của biến thể Omicron.
Quyết định đã được Thủ tướng Naftali Bennett nhanh chóng hoan nghênh và khẳng định đây là "tin tuyệt vời sẽ giúp chúng ta vượt qua làn sóng Omicron đang lan rộng khắp thế giới." Mặc dù quyết định này đang chờ các quan chức y tế cấp cao thông qua chính thức, ông Bennett kêu gọi người Israel tiêm liều càng sớm càng tốt, ông nói: "Thông điệp của tôi là - đừng lãng phí thời gian, hãy đi tiêm phòng."
 Israel quyết định tiêm vaccine liều thứ 4 cho người trên 60 tuổi. 
Quyết định được đưa ra sau khi Israel ghi nhận ca tử vong đầu tiên do biến thể Omicron. Một bệnh viện của Israel hôm 21/12 đã xác nhận ca tử vong trên, tuy nhiên cho biết bệnh nhân mắc nhiều loại bệnh nền nghiêm trọng.
Hôm 22/12, Israel ghi nhận ít nhất 340 ca mắc Omicron. Trong tuần này, Israel đã mở rộng lệnh cấm du lịch tới các quốc gia bao gồm Mỹ, Đức, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ và Canada để cố gắng hạn chế sự lây lan của vi rút.
New Zealand hôm 21/12 cũng tuyên bố hoãn kế hoạch tái mở cửa biên giới theo từng giai đoạn cho đến cuối tháng 2/2022 do lo ngại về sự lây lan nhanh chóng trên toàn cầu của biến thể Omicron.
Quốc gia này mới vừa bắt đầu nới lỏng một số biện pháp hạn chế nghiêm ngặt do đại dịch. Theo kế hoạch trước đó, dự kiến các hạn chế biên giới quốc tế sẽ dần được nới lỏng từ tháng 1, và dự kiến mở cho tất cả khách du lịch nước ngoài được phép vào nước này từ tháng 4/2022.