Kiểm soát chất lượng thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội cho Nhân dân, Cục ATTP, Bộ Y tế đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng thực phẩm, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Ngăn chặn kịp thời vi phạm

Vào mùa Tết Nguyên đán cũng như lễ hội Xuân, nhu cầu tiêu dùng tăng lên gấp nhiều lần so với trong năm. Những mặt hàng chủ yếu tăng lên trong dịp này là thực phẩm tiêu dùng trong dịp Tết như các loại thịt, bánh mứt kẹo, đồ uống…

Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế Nguyễn Hùng Long cho biết, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương đã chỉ đạo bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến và kinh doanh cũng như sử dụng thực phẩm nói chung, tập trung vào những cơ sở sản xuất kinh doanh.

Từ đó, tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng cũng như phòng chống ngộ độc thực phẩm.

Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về ATTP trực tiếp kiểm tra khu vực đồ tươi sống tại siêu thị Aeon mall Long Biên.
Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về ATTP trực tiếp kiểm tra khu vực đồ tươi sống tại siêu thị Aeon mall Long Biên.

Cục ATTP cũng xác định những sản phẩm thực phẩm trọng tâm để đi kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh như bánh kẹo, miến, thịt, gạo và các loại đồ uống… trong dịp Tết này.

Tuy nhiên, hiện nay việc kinh doanh thực phẩm trên mạng rất phổ biến và tràn lan. Hoạt động kinh doanh qua mạng online tăng nhiều,  thậm chí tăng gấp nhiều lần và xu hướng ngày càng tăng. Đó là xu hướng chung của thế giới, chứ không phải chỉ riêng Việt Nam, thậm chí bây giờ còn có đặt hàng từ nước ngoài về…

Do đó, việc kinh doanh trên mạng cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Việc này ngành công thương sẽ là chủ đạo trong vấn đề kiểm soát, đó là thương mại điện tử.

Song về thương mại điện tử hiện nay có khó khăn, đó là kinh doanh hàng online không phải đăng ký kinh doanh mà họ sẽ tự chịu trách nhiệm về những sản phẩm đó. Tất nhiên cơ quan quản lý có trách nhiệm về kiểm soát, kiểm tra. Những nơi có địa chỉ, cơ quan chức năng vẫn phải căn cứ trên việc kinh doanh đó để kiểm tra, kiểm soát.

Ngoài ra, vai trò của người tiêu dùng rất quan trọng. Người tiêu dùng có thể kiểm soát ATTP bằng cách kiểm tra sự tin cậy của cơ sở sản xuất như tìm hiểu các thông tin rất cụ thể về cơ sở đó…

Quan điểm của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP là kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP không chỉ trong dịp Tết và lễ hội Xuân, công tác thanh kiểm tra về ATTP được cơ quan chức năng quan tâm xuyên suốt cả năm.

Cơ quan chức năng cũng thường xuyên kiểm soát, kiểm tra, thanh tra, vi phạm xử lý và đưa những vi phạm đó lên các phương tiện thông tin đại chúng để cho người dân biết và cảnh báo cho người dân về những cơ sở có vi phạm.

Đảm bảo an toàn thực phẩm trong bảo quản, chế biến thực phẩm ngày Tết

Phó Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế Nguyễn Hùng Long cho rằng, vai trò của người dân rất lớn trong vấn đề đảm bảo ATTP chung. Trong luật quy định rất rõ vai trò, trách nhiệm của người tiêu dùng là phải tuân thủ theo tất cả những hướng dẫn của nhà sản xuất về tiêu dùng thực phẩm.

Ví dụ, nhà sản xuất hướng dẫn là phải bảo quản thực phẩm ở điều kiện 5 độ C nhưng người dân mua về lại để bên ngoài, khiến bị ôi thiu, mốc… Ăn vào thì gây ngộ độc. Việc này không có cơ quan nào giúp người dân xử lý.

Bất cứ thành phần nào cũng quan trọng, từ sự quản lý của cơ quan chức năng đến ý thức tự bảo quản, tự bảo vệ chính mình của người tiêu dùng thì mới có thể đảm bảo được một cái Tết an toàn, yên ấm cho mọi gia đình.

Đề cập đến khó khăn, thách thức đang đặt ra trong công tác thanh tra, kiểm tra ATTP trong dịp trước trong và sau Tết Nguyên Đán, Phó Cục trưởng Cục ATTP cho rằng, khó khăn đầu tiên là về thanh kiểm tra về ATTP thường nhật không chỉ Tết, còn vào dịp Tết lại càng khó khăn hơn. Đó là lực lượng mỏng.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của TP Hà Nội kiểm tra tại cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm Phúc Mơ (thôn Mạch Kỳ, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai).
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của TP Hà Nội kiểm tra tại cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm Phúc Mơ (thôn Mạch Kỳ, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai).

Do đó, vấn đề trọng tâm vẫn là tuyên truyền để người sản xuất, người tiêu dùng tuân thủ theo quy định; kiểm tra xác định những nơi nào là nhóm thực phẩm nguy cơ, cơ sở nào có phản ánh của người dân không tốt sẽ tập trung kiểm tra ưu tiên.

Về chế tài xử lý hiện nay, mức xử phạt không phải là thấp. Bởi thực tế, có những cơ sở nhỏ bị phạt đến hàng chục triệu đồng. Những vi phạm của DN lớn sản xuất số lượng nhiều, khi vi phạm có thể bị phạt đến hàng tỷ đồng. Ông Nguyễn Hùng Long cho rằng, chế tài phạt không phải là không có tính chất răn đe, bởi phạt nhiều thì cơ sở kinh doanh có thể phá sản, không thể sản xuất được.

Thế nhưng thực tế trong xã hội luôn có những thành phần cố tình lách luật để làm những sản phẩm không đạt yêu để lưu thông kiếm lợi bất chính. Do đó, dù chế tài xử phạt đến đâu thì vẫn sẽ có những người vi phạm.

Để đảm bảo ATTP đối với người dân trong việc bảo quản, chế biến thực phẩm ngày Tết, Phó Cục trưởng Cục ATTP lưu ý, nguyên tắc đầu tiên là thực phẩm nên ăn chín. Nấu xong không để quá 4 giờ mới ăn. Đặc biệt người dân không nên làm nhiều quá. Đó là lưu ý đầu tiên là trong khâu chế biến và sử dụng.

Đối với thực phẩm mua sẵn, người dân lưu ý về nhãn mác đầy đủ và tuân thủ theo hướng dẫn về vận chuyển, bảo quản của người sản xuất. Người dân cố gắng sử dụng thực phẩm cho vừa đủ.