Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm soát chặt tuyến vành đai 3, xóa nạn bắt xe dọc đường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm tập trung giải quyết về trật tự an toàn giao thông tại khu vực bến xe, lực lượng Cảnh sát giao thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã mạnh tay “siết” chặt dẹp nạn xe chạy vòng vo, xe dừng đỗ đón trả khách sai quy định, xe chở quá số người quy định…

Dấu hiệu xe “rùa bò”

Dù lực lượng chức năng đã quyết tâm dẹp nạn cò xe, bắt khách dọc đường, song dường như nhiều nhà xe xuất phát từ Bến xe Mỹ Đình vẫn có đủ “chiêu trò" đối phó nhằm qua mặt công an.

Có mặt trên trục đường Phạm Văn Đồng-Phạm Hùng-đường Vành đai 3, theo quan sát của phóng viên, xe đi như "rùa bò" là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất tại các cổng bến xe Mỹ Đình. Không chỉ "bò" trong khu vực cổng mà khi ra đường Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, đầu đường vành đai 3 chuyển làn cao tốc… xe vẫn tiếp tục lững thững đi.

Cá biệt, trên đường vành đai 3, sau khi tuyến đường này đi vào khai thác, nhiều người dân đã đứng bắt xe gần điểm cầu dẫn lên xuống gây mất an toàn giao thông. Khi lực lượng chức năng xuất hiện, các nhà xe vội vàng “vọt” ga cho xe chạy.
Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm soát vi phạm trên đường vành đai 3.
Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm soát vi phạm trên đường vành đai 3.
Theo Trung tá Nguyễn Mạnh Dầu, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 14, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an thành phố Hà Nội, 10 tháng đầu năm qua, Đội đã tập trung xử lý các phương tiện xe khách dừng đỗ, đón trả khách sai quy định, vi phạm tốc độ được 2.286 trường hợp, phạt tiền 1,8 tỷ đồng, tạm giữ 31 xe, tước Giấy phép lái xe 320 trường hợp… Trong đó, xử lý tái phạm 47 trường hợp và đề xuất cắt nốt 33 xe.

“Ngoài nhiệm vụ điều tiết giao thông, Cảnh sát giao thông cũng mạnh tay ‘siết’ xe khách bị xử lý lỗi dừng, đỗ sai quy định. Có trường hợp lái xe vừa bị lập biên bản tạm giữ giấy phép lái xe hôm trước, hôm sau lại vi phạm,” Trung tá Dầu cho biết.

Với những xe khách tái phạm, Trung tá Dầu đề xuất, cơ quan chức năng phải tạm giữ xe thêm 10 ngày nhằm răn đe tài xế và doanh nghiệp vận tải, thậm chí cắt nốt, thu hồi phù hiệu giấy phép kinh doanh xe hoạt động tại bến.

Tuy nhiên, để xử nghiêm những lỗi vi phạm này, Trung tá Dầu cũng thừa nhận, lực lượng Cảnh sát giao thông vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong xử lý, phân luồng, phạt phương tiện vi phạm trên tuyến đường vành đai 3 qua địa bàn quản lý của Đội số 14.

“Lực lượng tuần tra mới chủ yếu răn đe đối tượng vi phạm mà chưa thể xử lý được do xe đang đi tốc độ cao. Hơn nữa, tuyến đường này không theo đúng quy chuẩn đường cao tốc vì nếu là đường cao tốc thì xe ra vào chỉ có điểm đầu và cuối trong khi thực tế đường vành đai 3 lại có quá nhiều đường dẫn lên xuống. Nếu bố trí Cảnh sát giao thông thì sẽ rất tốn người, tốn sức chỉ với mục đích xử phạt,” Trung tá Dầu phân tích.

"Giam" xe, thu hồi giấy phép kinh doanh

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội, chỉ trong tháng 10 vừa qua, trên tuyến đường cầu cạn-vành đai 3 đã có 41 xe vận tải tuyến cố định vi phạm với các lỗi chủ yếu là đón trả khách không đúng quy định, không đóng cửa lên xuống khi xe chạy, chở quá số người quy định…

“Xe vi phạm thường chạy các tuyến: Hà Nội đi Thái Nguyên, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa… Trong đó, một số doanh nghiệp vận tải có 2-3 xe vi phạm như Công ty cổ phần Hoàng Hà, Hợp tác xã Hoàng Đồng, Công ty cổ phần 27/7 Thanh Xuân…,” đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội cho biết.

Nhằm chấn chỉnh xe hoạt động trên tuyến đường vành đai 3, Phòng Cảnh sát giao thông đã có đề xuất gửi đến Sở Giao thông Vận tải xử lý những xe thường xuyên vi phạm trên cung đường này.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, sau khi tiếp nhận đề xuất của Phòng Cảnh sát giao thông, Sở Giao thông Vận tải đã yêu cầu các bến xe và phòng chức năng ngoài xử lý theo quy định, còn nhốt 41 xe trong vòng 1 tháng (từ 20/11 đến 20/12).

Theo đó, các bến xe ở Hà Nội không tiếp nhận các xe có tên trong danh sách vi phạm vào hoạt động thời gian trên. Phòng Quản lý Vận tải (Sở Giao thông Vận tải) thu hồi sổ nhật trình chạy xe, phù hiệu xe chạy tuyến cố định của các phương tiện vi phạm đồng thời Thanh tra Sở Giao thông Vận tải giám sát, xử lý nghiêm các đơn vị vận tải, lái xe, phương tiện vi phạm bị thu hồi giấy tờ liên quan nếu vẫn tiếp tục đưa xe vào hoạt động.

Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội gửi văn bản đề nghị Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố liên quan phối hợp để tổng hợp, xử lý phương tiện vi phạm, thu hồi phù hiệu đối với các phương tiện thuộc Sở Giao thông Vận tải địa phương cấp, quản lý.

“Nếu các đơn vị vận tải còn để lái xe và phương tiện vi phạm, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ căn cứ vào các quy định hiện hành, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải các địa phương để thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô theo quy định,” ông Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh.