Thế nhưng, khi mái chùa bị sạt thì cơ sở lại làm đơn xin cấp kinh phí tu bổ từ Nhà nước. Năm 2022, rất nhiều vụ mất cắp, giành giật tiền công đức cũng khiến dư luận bức xúc.
Chính vì vậy, khi Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 04/2023, có hiệu lực từ ngày 19/3/2023, trong đó đáng chú ý nhất là những quy định liên quan tới quản lý hòm công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo vốn là một vấn đề nhạy cảm trong những năm qua đã được nhiều người vui mừng đón nhận.
Với thông tư mới này, các cơ quan đang hy vọng việc quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ... tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng của tập thể lẫn tư nhân quản lý sẽ khoa học hơn, có trách nhiệm cho người đứng đầu.
Cụ thể là Ban Tổ chức lễ hội phải có trách nhiệm mở tài khoản tiếp nhận quản lý tiền công đức theo phương thức thanh toán điện tử; các hình thức tiếp nhận tiền công đức như hòm công đức phải được kiểm đếm công khai định kỳ và chuyển khoản phải mở tài khoản. Quy định này ra đời xuất phát từ việc có nhiều tranh luận, mâu thuẫn và cả sai phạm liên quan đến dòng tiền công đức “không được kiểm toán” tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Trong lĩnh vực tâm linh hiện nay, có nhiều DN hoặc cá nhân bỏ tiền ra đầu tư và họ có nguồn thu. Trước nay, việc thống kê, hạch toán các nguồn thu chi chưa chặt chẽ, vì thế có những nhóm lợi ích lợi dụng lòng tin của người dân để mưu cầu lợi ích riêng.
Theo Thông tư 04 của Bộ Tài chính, toàn bộ nguồn thu từ hoạt động lễ hội, công đức... đều được kiểm đếm qua hình thức thương mại điện tử, được tính toán phân chia theo tỷ lệ hợp lý. Tất cả những khoản chi tiêu phải được dự toán, báo cáo bằng hóa đơn, việc tiếp nhận và quản lý tiền công đức bảo đảm được tính công khai, minh bạch để những người đóng góp biết được nguồn tiền đó phục vụ đúng mục đích hay không và biện pháp quản lý nguồn tiền. Và quản lý theo tài khoản được hiểu là một cách “kiểm toán” tiền công đức.
Ngoài ra, điểm mới của Thông tư 04/2023 là người đứng đầu cơ sở tín ngưỡng tôn giáo chịu trách nhiệm quản lý tiền công đức thay vì ý kiến đưa về Nhà nước quản lý như thời gian trước đây. Điều này đồng nghĩa với việc cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng có trách nhiệm chi trả cho đơn vị sự nghiệp công lập một phần chi phí sửa chữa, bảo dưỡng, cải tạo, nâng cấp, xây mới các công trình phụ trợ dùng chung, chi phí an ninh trật tự, vệ sinh... thay vì tất cả lại quay về xin tiền Nhà nước như trước đây.
Hoạt động công đức và tài trợ gắn với bản chất của lễ hội, của di tích như một truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, khi chúng ta bước vào giai đoạn nền kinh tế thị trường, khi hoạt động công đức tài trợ cho lễ hội nhiều hơn và đặc biệt ở trong hoàn cảnh mới thì chúng ta cũng cần có những quy định mới phù hợp hơn. Và với điều kiện, hoàn cảnh quản lý trong giai đoạn hiện tại thì điều này càng trở nên cần thiết. Làm tốt được điều này không chỉ giúp cho hoạt động công đức, tài trợ tốt hơn, minh bạch hơn mà còn giúp cho lĩnh vực di tích, văn hóa nhận được thêm nhiều sự quan tâm, có thêm nguồn lực để phát triển.