Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh doanh trực tuyến không còn câu chuyện của giá rẻ

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Khi giá cả không còn là yếu tố quyết định để người tiêu dùng mua hàng online, vấn đề chất lượng và chứ tín mới là điều quan trọng để giữ chân khách hàng.

Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến (VOBF 2023) tại Hà Nội với chủ đề Diễn đàn tiếp thị trực tuyến ngày 30/11, do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) được tổ chức với nhiều chia sẻ bổ ích.

Tại diễn đàn, hàng trăm doanh nghiệp trong các lĩnh vực ngân hàng, phần mềm bán hàng trực tuyến, quảng cáo trực tuyến… tham gia trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ các "tân binh" trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến.

Duy trì tăng trong khó khăn

VOBF 2023 cũng giúp các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trao đổi về tiềm năng thị trường, những xu hướng giải pháp và công nghệ nổi bật, những chính sách và quy định pháp luật mới ban hành hoặc sắp sửa đổi, những thuận lợi và khó khăn trong việc phối hợp, liên kết kinh doanh giữa các doanh nghiệp. Qua đó, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại và định hướng xuất khẩu trực tuyến.

Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Thương mại điện tử xanh đi kèm với tốc độ phát triển nhanh, thương mại điện tử cũng dần bộc lộ một số tác động chưa tốt tới môi trường. Vì vậy, cần nhiều chính sách khuyến khích, thúc đẩy việc phát triển thương mại điện tử đi kèm với bảo vệ môi trường, hướng tới một nền thương mại điện tử xanh.

Bên cạnh đó, các vấn đề về các xu hướng xuất khẩu B2B hoặc B2C hiện nay; giải pháp công nghệ hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nói chung và xuất khẩu trực tuyến. Trong 1 ngày diễn ra Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến, các diễn giả có các tham luận, chia sẻ, tọa đàm về các vấn đề: Tổng quan thị trường tiêu dùng số, xu hướng mới của kinh doanh số, Digital marketing bứt phá doanh thu mùa Tết…

Một gian trưng bày kết nối tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
Một gian trưng bày kết nối tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Theo Chủ tịch VECOM Nguyễn Ngọc Dũng, VOBF 2023 nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu được tiếp cận các xu hướng kinh doanh trực tuyến nói chung và lĩnh vực xuất khẩu trực tuyến. Doanh nghiệp được tham gia tương tác kết nối với những doanh nghiệp hàng đầu trong việc cung cấp các giải pháp kinh doanh online, xúc tiến thương mại và xuất khẩu trực tuyến.

"Bên cạnh những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới cùng với nhiều yếu tố bất lợi trong nước đã tác động tiêu cực tới sự phát triển của kinh tế và thương mại Việt Nam, đặc biệt là những tháng cuối năm 2022 và kéo dài sang năm 2023. Tuy nhiên, VECOM ước tính thương mại điện tử Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỷ USD" - ông Nguyễn Ngọc Dũng nói.

Dấu ấn quan trọng nhất của thương mại điện tử có thể kể đến là số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng lên cả về lượng và chất. Người tiêu dùng mua nhiều hơn, giá trị mua hàng càng ngày càng cao lên; đông đảo người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến hơn.

Các doanh nghiệp thương mại điện tử đã tích cực chuyển đổi số, chuyển đổi số để thích nghi với đại dịch cũng như chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh trong trạng thái "bình thường mới". Tuy nhiên, song song với tốc độ phát triển nhanh như hiện nay, cần định hướng để thương mại điện tử có thể phát triển một cách bền vững hơn. Từ đó, giúp thúc đẩy lĩnh vực này tăng trưởng vững chắc, dài hạn trong thời gian tới.

Không còn là mồi câu

Nhà sáng lập nền tảng Droppii Nguyễn Hữu Sơn cho biết, giá  rẻ không còn là “mồi câu” quyết định thu hút khách khi bán hàng online”. Các sản phẩm kinh doanh trên nền tảng này có giá trị trung bình lên tới 1,7 triệu đồng/sản phẩm. Đáng chú ý, dù giá trị cao, nhưng mỗi tháng doanh số bán hàng của các thương hiệu trên nền tảng này khiến các nhà bán hàng “thèm thuồng”.

Giới thiệu sản phẩm nền tảng kết nối tại gian hàng của Sapo. Ảnh: Khắc Kiên
Giới thiệu sản phẩm nền tảng kết nối tại gian hàng của Sapo. Ảnh: Khắc Kiên

“Không phải cứ hàng giá rẻ, đơn giá thấp thì mới có người mua, tạo được doanh số. Việc bán được hàng hay không còn phụ thuộc vào định vị thương hiệu, chất lượng hàng hóa và vào cách xây dựng kịch bản, hình ảnh, nội dung bán hàng” – vị này chỉ ra.

Do đó, Giám đốc Nghiên cứu hành vi khách hàng, đại diện khu vực phía Bắc tại NielsenIQ Việt Nam Đặng Thúy Hà cho biết, để đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử bền vững cần chú trọng đến nguồn nhân lực cho thương mại điện tử. Trong nhiều năm qua, có khoảng 70% quy mô thương mại điện tử bán lẻ vẫn tập trung ở hai đầu tàu trung tâm kinh tế là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, có 61 tỉnh thành còn lại là nơi tập trung nhiều dân số, cơ hội giao thương lớn và đặc biệt là có nguồn cung ứng hàng hóa đa dạng, chất lượng nhưng chưa được thúc đẩy phát triển tương xứng với lợi thế và tiềm năng sẵn có.

Theo bà, xu hướng “thắt lưng buộc bụng” khiến người tiêu dùng khó tính hơn trong mua sắm online. Tuy nhiên, ngày nay, người mua sắm trực tuyến không phân biệt lứa tuổi, vùng miền.

"Chất lượng sản phẩm vẫn là mối quan tâm hàng đầu của người mua hàng trực tuyến. 84% người mua sắm online lo lắng về chất lượng sản phẩm, 64% người mua sắm online lo lắng về thời gian và phí vận chuyển, 59% người tiêu dùng lựa chọn mua hàng trực tuyến vì phương thức thanh toán thuận lợi" - bà Thu Hà phân tích.