Kinh nghiệm chiêm bái chùa Thầy - cổ tự linh thiêng trong mùa lễ hội

Khang Nhi (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lễ hội chùa Thầy diễn ra vào ngày mùng 5 đến mùng 7 tháng 3 Âm lịch. Vào độ này, ngôi chùa lại thu hút hàng nghìn du khách từ nhiều nơi về góp vui, trẩy hội. Năm nay, lễ hội chùa Thầy rơi vào ngày 13/4 đến 15/4/2024.

Tối 12/4, tại Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy, UBND huyện Quốc Oai đã tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội chùa Thầy, lễ khai hội chùa Thầy và khai mạc Tuần văn hóa du lịch, xúc tiến thương mại huyện Quốc Oai năm 2024.

Chùa Thầy là một trong những điểm đến thu hút nhiều du khách ghé thăm, nhất là vào những dịp cuối tuần. Ảnh: Internet.
Chùa Thầy là một trong những điểm đến thu hút nhiều du khách ghé thăm, nhất là vào những dịp cuối tuần. Ảnh: Internet.

Chùa Thầy được khởi công xây dựng và hoàn thiện dưới thời nhà Lý, nơi đây lưu dấu đạo tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Tương truyền rằng, xưa kia, sau khi Thiền sư tu hành đắc đạo, đã trở về núi Sài giảng đạo cho dân, dạy dân học, hái thuốc cho dân và tạo ra những trò chơi giúp người dân giải tỏa căng thẳng như múa rối nước, đánh cầu, đánh vật,...

Do vậy, mà người dân quý mến kính trọng đã tôn Thiền sư lên làm Thầy. Từ đó, chùa được gọi là chùa Thầy, núi được gọi là núi Thầy, làng cũng là làng Thầy để mỗi người dân nơi đây mỗi lần nhắc đến quê hương đều nhớ đến công lao to lớn của Thiền sư.

Thủy Đình dưới chân núi Sài. Ảnh: Internet.
Thủy Đình dưới chân núi Sài. Ảnh: Internet.

Đây là một quần thể di tích kết hợp với cảnh quan của những ngọn núi thấp ở giữa vùng đồng bằng trù phú, tạo nên một diện mạo linh thiêng mà kỳ vĩ, gồm 03 cụm điểm: Khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách; Quần thể di tích chùa Thầy; các di tích trên núi động Hoàng Xá. Quần thể này bao gồm có: hồ Long Trì (hay còn gọi là Thủy đình), cầu Nhật Tiên, Nguyệt Tiên, nhà cầu, đền Tam Phủ, chùa Thầy, chùa Long Đẩu, chùa Cao và hang Cắc cớ, đền Văn Xương, đền Quán Thánh, chùa Sài Khê, chùa Một Mái....

Kinh nghiệm chiêm bái chùa Thầy - cổ tự linh thiêng trong mùa lễ hội - Ảnh 1

Đi qua hồ Long Trì, bạn sẽ đến với chùa Thầy, ngôi chùa với kiến trúc cổ kiểu chữ Tam với 3 toà song song với nhau gồm: chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng. Chùa Hạ là nơi bái lễ, tụng kinh của các tăng ni Phật tử. Chùa Trung là nơi thờ Tam Bảo, 2 vị hộ pháp và Thiên Vương. Chùa Thượng nằm ở vị trí cao nhất, là nơi đặt tượng 3 kiếp của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, tượng Di Đà Tam Tôn và tượng Đức Phật Thích Ca. Dọc theo 2 bên sườn chùa là nơi đặt 18 vị La Hán uy nghiêm, chấn giữ bảo vệ ngôi chùa.

Cách di chuyển tới chùa Thầy

Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 21km, nếu bạn di chuyển bằng ô tô sẽ mất khoảng 30 phút là có thể đến với chùa Thầy.

Kinh nghiệm chiêm bái chùa Thầy - cổ tự linh thiêng trong mùa lễ hội - Ảnh 2

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng xe buýt làm phương tiện di chuyển, có 2 tuyến là 09B và 16 xuất phát từ bến xe Mỹ Đình và điểm dừng là trường tiểu học Sài Sơn A, cách chùa Thầy 850m, đến đây bạn có thể đi bộ để ngắm cảnh làng quê xung quanh hoặc đi xe ôm để tiết kiệm thời gian.

 

Một vài lưu ý khi đến chùa Thầy

- Vì đây là nơi trang nghiêm thanh tịnh nên khi du khách đến đây cần chú ý từ trang phục đến lời ăn tiếng nói.

- Tránh mặc những bộ đồ quá ngắn, không phù hợp gây phản cảm.

- Nên mang theo áo chống nắng giày thể thao và mũ để tiện leo núi khám phá.

- Đến chùa nói khẽ cười duyên, tránh nô đùa cãi nhau to tiếng làm mất đi sự thanh tịnh của ngôi chùa.

- Không ngắt hoa bẻ nụ trong khuôn viên chùa, không được tự ý chạm vào tượng thờ khi không được cho phép.

- Đặc biệt cần chú ý không được xả rác bừa bãi, phải luôn có ý thức bảo vệ môi trường.

- Bạn có thể tham quan chùa theo bản đồ vì nếu để người dân thuyết trình bạn sẽ mất thêm khoảng 100.000 – 300.000 VNĐ.

- Có thể mang theo nước uống và đồ ăn để tiết kiệm chi phí.

- Nếu muốn mua đồ lưu niệm bạn nên hỏi giá trước.

- Nếu muốn khám phá hang Cắc Cớ bạn nên thuê đèn pin với giá khoảng 5.000 VNĐ/lần.